Đã 3 ngày trôi qua, tàu cá BTh 97478 TS của ngư dân Bùi Văn Toàn ở Bình Thuận và 16 lao động trên thuyền vẫn bị mất liên lạc. Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chỉ đạo khẩn về công tác cứu hộ thuyền bị mất liên lạc.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp giữa biển Đông, thời tiết trên biển diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Công tác cứu hộ cứu nạn trên biển gặp nhiều khó khăn và các vùng đồng bằng ven biển cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngày và đêm 13/7, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía Đông của khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Tại khu vực Sơn La, Hòa Bình, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa to. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang mưa lớn kèm giông lốc từ ngày 10/7-12/7/2022 gây nhiều thiệt hại cụ thể: 2 người mất tích ở Phú Quốc (Kiên Giang), 321 căn nhà và 76 ha lúa và cây ăn trái bị hư hại; 10 tàu bị chìm; làm sạt lở 40m đê bao sông Măng Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long; tràn cục bộ và sạt lở đê biển Tây. Riêng tại Kiên Giang ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 1.025 triệu đồng.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT (Ban Chỉ đạo) đã có văn bản số 49/QGPCTT ngày 12/7/2022 về việc thực hiện vận hành đảm bảo đúng quy định để đưa dần mực nước hồ về mực nước cho phép trong thời kỳ lũ chính vụ gửi Tập đoàn điện lực Việt Nam và các chủ hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà. Đảm bảo an toàn vùng hạ du khi xả lũ.
Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành văn bản số 367/VPTT ngày 12/7/2022 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang về chủ động ứng phó gió mạnh, sóng lớn, triều cường trên biển. Đồng thời Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã thành lập đoàn kiểm tra do Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác khắc phục sự cố sạt lở tại đê biển Tây (Cà Mau).
Tại các địa phương có tuyến đê bị xung yếu đe dọa sạt lở chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra công tác phòng đê, hộ đê; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do giông lốc và khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Công tác trực ban luôn được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.