Từ tháng 4/2018, vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quy mô toàn quốc, cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi, thay thế loại vaccine sởi-rubella nhập khẩu.
Đã có hơn 50.000 trẻ tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm vaccine sởi - rubella do Việt Nam sản xuất. Ảnh: VGP. |
Bà Dương Thị Hồng, Phó trưởng ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, đến nay, theo thống kê ban đầu, đã có hơn 50.000 trẻ tại 19 tỉnh, thành phố được tiêm loại vaccine này tại các điểm tiêm chủng thường xuyên và các điểm tiêm chủng xã, phường.
Trước khi vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quy mô toàn quốc, từ tháng 3/2018, vaccine này đã được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại 4 tỉnh là Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa và Đắk Nông.
Tất cả trẻ được tiêm vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất đến thời điểm này không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm. Điều này cho thấy tính an toàn của vaccine sởi-rubella do Việt Nam sản xuất, đồng thời cũng cho thấy an toàn tương tự như vaccine sởi-rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014-2016.
Trong 10 năm qua, thông qua dự án của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Viện Kitasato (Nhật Bản) đã giúp Việt Nam sản xuất thành công vaccine sởi-rubella. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được loại này, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Cũng liên quan tới bệnh sởi, từ đầu năm 2018 đến cuối tháng, cả nước ghi nhận 141 trường hợp dương tính với sởi, trong đó 54 trường hợp là trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức chưa đến tuổi tiêm chủng
Hiện nay, lịch tiêm vaccine sởi cho trẻ em là 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, trước tỉ lệ trẻ mắc sởi do chưa đến tuổi tiêm chủng khá cao, nhiều phụ nữ trong tuổi sinh đẻ không có miễn dịch với bệnh sởi, vì vậy Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đẩy sớm lịch tiêm chủng cho trẻ.
Thay vì tiêm 9 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm chủng từ 6 tháng. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành nghiên cứu trong năm nay và sẽ chính thức tiêm vaccine sởi từ 6 tháng cho trẻ sau khi hoàn thành việc nghiên cứu.
Dự án Tiêm chủng mở rộng cũng đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 6–8 tháng tuổi tại những vùng có nguy cơ, khi có dịch để giảm tỉ lệ mắc sởi ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Theo tính toán, tiêm ở lứa tuổi này trẻ được bảo vệ hơn 88%.