Theo BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, hiện có 2 cách xét nghiệm để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là các xét nghiệm trực tiếp và các xét nghiệm gián tiếp.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, TP Hà Nội đã và đang tiến hành làm xét nghiệm test nhanh cho những người từ Đà Nẵng trở về từ đầu tháng 7.
Theo BS Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, hiện có 2 cách xét nghiệm để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là các xét nghiệm trực tiếp và các xét nghiệm gián tiếp.
Xét nghiệm trực tiếp là các xét nghiệm nhằm tìm kiếm sự hiện diện của các thành phần cấu tạo của virus ở trong cơ thể (hiện nay xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm tìm kiếm các đoạn gen của virus bằng kỹ thuật PCR, ngoài ra còn có xét nghiệm nuôi cấy phân lập virus). Xét nghiệm này có thể phát hiện người nhiễm virus ở những giai đoạn rất sớm kể từ khi người bệnh chưa biểu hiện bệnh.
Đối với các xét nghiệm gián tiếp, nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm. Cụ thể trong trường hợp bệnh Covid19 là làm các xét nghiệm tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là người nhiễm virus SARSCoV-2 không phải ai cũng sinh ra kháng thể và kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi người bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhìn chung, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không. Ngược lại, xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm và không lây cho người khác.
Vì vậy, người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên họ cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế.