20 tỷ đồng đầu tư trọng điểm

Việt An 09/07/2017 09:05

Ngoài việc được hưởng mức tiền ăn lên đến 400.000 đồng/người/ngày, các VĐV trọng điểm còn có thêm khoản tiền công tập luyện 400.000 đồng/ngày. Họ cũng được đầu tư về thuốc và thực phẩm chức năng, trang thiết bị tập luyện và đặc biệt là có cơ hội ra nước ngoài tập huấn dài ngày hay thi đấu cọ xát ở nhiều giải quốc tế đỉnh cao…

Không phải VĐV nào cũng được đầu tư như Ánh Viên.

Quyết định đầu tư trọng điểm phần nào đã lắng nghe nguyện vọng chính đáng của các VĐV, nhưng phía sau vẫn còn nhiều vấn đề cần được ngành thể thao quan tâm một cách sâu sát hơn nữa.

Việc ngành thể thao lập danh sách đầu tư trọng điểm cho các HLV, VĐV không có gì là mới, chỉ có điều luôn gây ra tranh cãi. Đáng chú ý, so với danh sách đầu tư cho chiến dịch Olympic 2016, nhiều VĐV tên tuổi không còn được hưởng chế độ đặc biệt. Các VĐV hay người phụ trách ở các môn này đều phản ứng nhất định khi không có tên trong danh sách được đầu tư trọng điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng những người tham gia công tác tuyển chọn đang trù dập những VĐV đó, nhưng ngay lập tức đã bị giới quản lý phủ nhận.

“Có những bộ môn chúng tôi phải họp tới 5-6 lần mới chốt danh sách, chứ không chốt bừa. Việc lựa chọn VĐV trọng điểm luôn phải theo tiêu chí và có sự thống nhất cao giữa các bộ môn, đội tuyển và HLV, VĐV”, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho hay.

Đó là quan điểm không sai của giới quản lý thể thao nước nhà. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là các VĐV trọng điểm liệu sẽ có sự bứt phá về thành tích khi được đầu tư đặc biệt?

Thực tế thì sự bứt phá ấy rất khó, hoặc chậm, bởi lẽ chuyện đầu tư của thể thao Việt Nam mới chỉ là bề nổi, kiểu động viên tinh thần là chính chứ chưa thể tạo sức bật toàn diện. Nâng tiền dinh dưỡng cho HLV, VĐV phải có chuyên gia dinh dưỡng thẩm định bằng chuyên môn. Để từ đó, VĐV của môn nào cần bổ sung thực phẩm gì và số lượng tiếp nhận ra sao.

“Nếu so với các nước khác thì chúng tôi tủi thân lắm. Từ những chuyện ăn uống, tập luyện, chăm sóc sức khoẻ… đều có bác sĩ, chuyên gia lo hết cho VĐV, còn chúng ta hầu như phải tự túc. Đặc biệt khi tập luyện, các VĐV nước ngoài được tư vấn cần tập gì, động tác như thế nào, khối lượng ra sao để tốt cho nhóm cơ này, nhóm cơ kia. Đó là sự khoa học, rất cần trong thi đấu thể thao thành tích cao”, một VĐV tâm sự.

Nếu chỉ tăng lượng thực phẩm nhờ tiền dinh dưỡng nhiều hơn thì chưa hẳn đã hiệu quả. Nhiều VĐV nói rằng họ đâu cần ăn nhiều, mà chỉ cần ngon thay món ăn thay đổi để đỡ nhàm chán. Hầu hết các VĐV đều ăn ít hơn số tiền đầu tư, còn thừa thì… đút túi.

Ở các nền thể thao phát triển, VĐV trọng điểm sẽ được đầu tư gần như trọn đời, chính xác là đến khi giải nghệ. Chương trình trọng điểm không khác gì nuôi gà nòi trong giai đoạn dài hơi. Nhưng ở Việt Nam thì chỉ trong vòng vài tháng, khi ngân sách rất hạn hẹp. Có một sự thật nữa là sự đầu tư với nhiều VĐV chỉ lấy số lượng, là tạm thời. Những trường hợp được đầu tư nâng tầm tới mức chuyên biệt như Ánh Viên, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như thừa nhận của Tổng cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, việc đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam cho 64 gương mặt được coi là xuất sắc vẫn ở mức “thấp, thiếu và chưa đồng bộ”, cần phải xem xét điều chỉnh nhiều về cách thức chọn lựa, giải pháp trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 tỷ đồng đầu tư trọng điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO