Các nhà khoa học nhận định, với sự gia tăng về phát thải khí nhà kính toàn cầu, có khả năng năm 2023 sẽ là một năm nóng kỷ lục. Nhiệt độ trung bình được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2 độ C so với năm 2022.
Đối mặt nắng nóng
Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) vừa công bố dự đoán cho biết, năm 2023 có thể là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận với nhiệt độ trung bình toàn cầu dự báo cao hơn khoảng 1,2 độ C so với mức trước khi con người bắt đầu gây ra biến đổi khí hậu.
Nếu đúng, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp trái đất chứng kiến nhiệt độ trung bình cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, được đo trong giai đoạn 1850-1900. Năm nóng nhất hiện tại được ghi nhận kể từ năm 1850 là năm 2016, một năm chứng kiến kiểu khí hậu 'El Nino' ở Thái Bình Dương đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao hơn so với xu hướng nóng lên toàn cầu.
Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu bộ phận dự đoán tầm xa tại Met Office, cho biết: “Nếu không có hiện tượng El Nino trước đó làm tăng nhiệt độ toàn cầu, thì năm 2023 có thể không phải là một năm nóng kỷ lục, nhưng với sự gia tăng nhanh chóng về phát thải khí nhà kính toàn cầu, có khả năng năm 2023 sẽ là một năm nóng kỷ lục”.
Tiến sĩ Nick Dunstone - người đứng đầu bộ phận dự báo nhiệt độ toàn cầu năm 2023 của Met Office - cho biết: “Nhiệt độ toàn cầu trong 3 năm qua đã bị ảnh hưởng bởi tác động của La Nina kéo dài – hiện tượng khiến nhiệt độ bề mặt nước biển mát hơn trung bình xảy ra ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. La Nina có tác dụng hạ nhiệt tạm thời đối với nhiệt độ trung bình toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông Dunstone dự đoán: “Trong năm 2023, mô hình khí hậu của chúng tôi cho thấy, hiện tượng La Niña sẽ kết thúc ba năm liên tiếp, với sự quay trở lại các điều kiện tương đối ấm hơn ở các vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Sự thay đổi này có khả năng dẫn đến nhiệt độ toàn cầu vào năm 2023 ấm hơn so với năm 2022”.
Tiến sĩ Doug Smith - chuyên gia hàng đầu về dự đoán khí hậu của Met Office – cho biết thêm: “Thực tế là nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức cao hơn 1 độ C trong một thập kỷ đã che đậy sự thay đổi nhiệt độ đáng kể trên toàn thế giới. Một số địa điểm như Bắc Cực đã ấm lên vài độ kể từ thời kỳ tiền công nghiệp”.
Met Office dự báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng trong khoảng từ 1,08 độ C đến 1,32 độ C so với nhiệt độ vào nửa sau của thế kỷ 19. Thực tế, dữ liệu trong năm 2022 tính đến tháng 10 cho thấy, nhiệt độ cao hơn khoảng 1,16 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thế giới đã trải qua 8 năm nóng kỷ lục
Một báo cáo mới của Liên Hợp quốc (LHQ) cho thấy, 8 năm qua là 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận, thế giới hiện đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Thực tế cho thấy giới hạn 1,5 độ C đã được quốc tế thống nhất đối với việc nóng lên toàn cầu hiện nay “hầu như không đạt được”.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của LHQ chỉ ra mức độ khí nhà kính cao kỷ lục trong khí quyển đang đẩy mực nước biển và băng tan lên mức cao mới và làm gia tăng thời tiết khắc nghiệt từ Pakistan đến Puerto Rico.
WMO ước tính, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn khoảng 1,15 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900), nghĩa là kể từ năm 2016, mỗi năm đều là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận.
Trong năm 2021 và 2022, hiện tượng khí hậu La Nina tự nhiên đã thực sự giữ cho nhiệt độ toàn cầu thấp hơn so với mức bình thường. Việc quay trở lại điều kiện El Nino không thể tránh khỏi sẽ chứng kiến nhiệt độ tăng cao hơn nữa trong tương lai, bên cạnh sự nóng lên toàn cầu.
Báo cáo của WMO cho biết, Carbon dioxide, metan và nitrous oxide đang ở mức kỷ lục trong khí quyển khi lượng khí thải tiếp tục phát thải. Mức tăng hàng năm của khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh, là mức cao nhất được ghi nhận. Mực nước biển hiện cũng đang tăng nhanh gấp đôi so với 30 năm trước và các đại dương nóng hơn bao giờ hết.
Kỷ lục về sự tan chảy của sông băng ở dãy Alps đã bị phá vỡ vào năm 2022, với chiều cao trung bình là 13 ft (4 mét) bị mất. Mưa - không phải tuyết - lần đầu tiên được ghi nhận trên đỉnh cao 3.200 m của dải băng Greenland. Trong khi đó, diện tích băng biển ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp nhất được ghi nhận, thấp hơn gần 1 triệu km2 so với mức trung bình dài hạn.
Tổng Thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Sự nóng lên càng lớn thì tác động càng tồi tệ. Hiện tại, chúng ta có nồng độ CO2 trong khí quyển cao đến mức khiến mục tiêu thấp hơn 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris gần như không thể đạt được. Đã quá muộn đối với nhiều sông băng và mực nước biển dâng là mối đe dọa lớn và lâu dài đối với hàng triệu cư dân ven biển và các quốc gia nằm ở vùng trũng thấp”.
Báo cáo của WMO cũng nhấn mạnh về tình trạng hạn hán ở phía Đông châu Phi, nơi lượng mưa dưới mức trung bình trong bốn mùa liên tiếp, dài nhất trong 40 năm. Khoảng 19 triệu người hiện đang lâm vào cảnh khủng hoảng lương thực.
Giáo sư Mike Meredith đến từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết: “Các thông điệp trong báo cáo của WMO đã quá rõ ràng – trên khắp hành tinh của chúng ta, các kỷ lục đang bị phá vỡ khi các phần khác nhau của hệ thống khí hậu bị phá vỡ. Tình trạng băng tan đặc biệt đáng báo động vì những tác động của nó đối với con người, xã hội và nền kinh tế là rất lớn”.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo: “Khí thải vẫn đang tăng ở mức kỷ lục. Điều đó có nghĩa là hành tinh của chúng ta đang trên đà đạt đến điểm giới hạn khiến cho sự hỗn loạn khí hậu trở nên không thể đảo ngược”.