Những bí ẩn xung quanh khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với du khách thập phương.
Khu đền tháp Mỹ Sơn có tổng diện tích 11.580.000 m2, được bao bọc bởi một thung lũng khép kín. Các đền tháp như những “ngọn lửa thiêng” vươn lên trên những ngọn đồi thấp. Từng chìm trong lãng quên hàng thế kỷ, mãi cho tới năm 1885 khu đền tháp Mỹ Sơn được tình cờ phát hiện bởi người Pháp.
Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở khu đền tháp Mỹ Sơn đã được người Pháp thu gom về Đà Nẵng vào những năm đầu thế kỷ XX và được trưng bày tại bảo tàng Chăm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng). Bên cạnh đó, Nhà trưng bày hiện vật Mỹ Sơn cũng đã được xây dựng vào năm 2005 tọa lạc khá gần khu đền tháp Mỹ Sơn. Tại nơi đây, tỉnh Quảng Nam đã cho trưng bày những hiện vật gốc của khu đền tháp Mỹ Sơn như bia ký, phù điêu, linga, yoni, gạch ngói… và những pa-nô giới thiệu tổng quan về lịch sử nghiên cứu đền tháp Mỹ Sơn cũng như thành quả trong công tác trùng tu.
Trong số 225 di tích Chămpa được phát hiện tại Việt Nam, riêng tại khu đền tháp Mỹ Sơn đã có khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở nhiều dạng khác nhau (chiếm hơn 1/5 tổng số 170 bi ký Chămpa đã biết).
Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) - kiến trúc sư người Ba Lan tài ba nhiều năm gắn bó với khu đền tháp Mỹ Sơn nhận định: “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá; và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.
Khu đền tháp Mỹ Sơn được đánh giá ngang hàng về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với các di tích đền tháp nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor (Campuchia), Bagan (Myanmar), Borobudur (Indonesia), Ayutthaya (Thái Lan). Chính vì vậy, vào ngày 4/12/1999, tại thành phố Marrakech (Maroc), khu đền tháp Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) như “điển hình về trao đổi văn hoá” và “bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất”.
Kỹ thuật xây dựng đền tháp Chămpa trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (Thế kỷ II – VI), đền tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ. Giai đoạn 2, đền tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh. Giai đoạn 3 (thế kỷ VI – XVII), đền tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch. Nhưng kỹ thuật xây đền tháp Chămpa trong giai đoạn đỉnh cao như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được thống nhất về mặt kiến giải.
Hiện có ba quan điểm về kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm ở giai đoạn đỉnh cao. Đầu tiên, có quan điểm cho rằng người Chămpa nung gạch, dùng chất kết dính và xây lên. Quan điểm thứ hai - Leuba (1923) - cho rằng người Chămpa dùng đất sét phơi khô (gạch mộc) và “nung toàn khối”. Quan điểm thứ ba lại cho rằng: Người Chămpa xây đền tháp chừng nào nung chừng nấy, rồi độn đất vào lòng đền tháp, như vậy vòm mới có thể xây dựng được. Tuy nhiên, về mặt khoa học thực chứng, những quy trình xây dựng này vẫn chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, quan điểm “nung toàn khối” bị bác bỏ nhiều nhất.
Bởi vậy, đã hơn 25 năm khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới nhưng những bí ẩn xung quanh nó cho đến nay vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp cuối cùng. Điều này khiến lượng du khách thập phương đổ về khu đền tháp bí ẩn này ngày một đông để thỏa mãn những nghi hoặc.