Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những đại diện hàng đầu của hội họa Việt Nam thế kỷ XX, ông tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937. Trong số các sáng tác của họa sĩ bậc thầy, “Em Thúy” được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, bức tranh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tác phẩm “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Bảo vật quốc gia này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, bức tranh “Em Thúy” mang số đăng ký 226 D96, kích thước 45x60cm. Và được miêu tả như sau: Bức tranh vẽ chân dung bán thân của một nhân vật thực, bé Thúy ngồi trên một chiếc ghế mây. Tác giả đặc tả em bé gái với tinh thần lãng mạn, tinh tế, trong trẻo với hòa sắc sáng ấm với những đường cong nhẹ nhàng. Tác giả đã sử dụng lối bố cục điển hình kiểu châu Âu thời đầu thế kỷ XX, để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Bức tranh là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ nghệ thuật phương Tây đương thời.
Không chỉ được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của danh họa, “Em Thúy” – bức tranh mô tả hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của họa sĩ (nguyên mẫu là bà Minh Thúy sinh năm 1935, cháu gọi họa sĩ là bác ruột, khi ấy gia đình đang sinh sống ở phố Hàng Cót) - còn được giới chuyên môn đánh giá là bức tranh chân dung thành công nhất của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Bức tranh được vẽ vào năm 1943 và có số phận long đong sau đó. Sau năm 1945, khi quân Pháp quay lại chiếm Hà Nội, gia đình bà Minh Thúy đi tản cư mà không mang theo bức tranh. Tới khi họ quay về thì bức tranh đã bị lấy trộm và gia đình phải bỏ tiền ra chuộc lại từ một người buôn tranh, ông này trước đó tìm thấy “Em Thúy” tại nhà một người thợ cạo. Sau này, bức tranh “Em Thúy” được họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Theo Hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa, một trong những tiêu chí để “Em Thúy” trở thành Bảo vật Quốc gia là vì đây là hiện vật “nguyên gốc và độc bản” và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ở giá trị lịch sử, tác phẩm mang giá trị đánh dấu một giai đoạn lịch sử của mỹ thuật Việt Nam cận đại nửa đầu thế kỷ XX. Ở khía cạnh giá trị thẩm mỹ, tác phẩm mang phong cách riêng biệt họa sĩ Trần Văn Cẩn, bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam cận đại. Tác phẩm là sự kế thừa phong cách tạo hình phương Tây nhưng lại được hòa quyện trong một tinh thần phương Đông rõ nét. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả chân, cũng như tiêu biểu cho thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX. Ở giá trị văn hóa, đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau. Thông qua chân dung em Thúy, tác phẩm góp phần phản ánh hình ảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Bức tranh là một điển hình góp phần vào việc nghiên cứu các yếu tố, giá trị giao lưu văn hóa Đông - Tây trên bình diện nghệ thuật tạo hình.
Một nhạc sĩ người Anh là Paul Zetter khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh đã thốt lên: “Tôi thực sự xúc động đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh và bởi “Em Thúy” ngồi đó nhìn xuống tôi như người giám hộ những ký ức tuổi thơ...”. Lấy cảm hứng từ “Em Thúy”, ông đã sáng tác bản nhạc “Khúc minuet dành cho Em Thúy” (Little Thúy Minuet).
Bảo vật quốc gia “Em Thúy” hiện trạng đang được đánh giá là tốt. Tuy nhiên, thực ra bức tranh đã được trùng tu một lần vào năm 2004. Vào khoảng năm 2003, bức tranh sau 60 năm ra đời đã bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp. Lúc ấy đã có ý kiến đề nghị đưa “Em Thúy” ra nước ngoài để bảo quản phục chế nhưng không được Bộ Văn hóa đồng tình. Năm 2004, một chuyên gia phục chế người Úc là bà Caroline Fry được mời sang Việt Nam và tiến hành phục chế ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh được hoàn thành phục chế và bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật vào tháng 6/2004. Khi tấm khăn phủ trên bức tranh được kéo xuống, nhiều người đã cho rằng nó đã được phục chế quá mới so với bản gốc. Sau đó trên truyền thông đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về mức độ thành công của việc phục chế tác phẩm này…
Còn bà Caroline Fry thì cho biết sau khi phục chế bức tranh có thể duy trì tình trạng tốt trong khoảng 20 năm. Bà Caroline khi đó đã đánh giá, bà rất ấn tượng về bố cục của bức tranh, những mảng màu lớn với những nét bút thoáng và đặc biệt là “cách diễn tả tinh thần phương Đông” của bức tranh. Chuyên gia phục chế đã tâm sự: “Khi làm việc với tác phẩm, tôi có cảm giác rất lạ là muốn ôm em Thuý vào lòng, muốn bảo vệ, che chở cho cô bé trong tranh ấy”.
Dù thế nào thì “Em Thúy” hiện nay vẫn đang trong tình trạng “khỏe khoắn” và cũng là một ví dụ tiêu biểu cho việc giữ gìn, bảo quản và phục chế, một kinh nghiệm quý cho các Bảo vật quốc gia khác. “Em Thúy” sau hơn 70 năm ra đời vẫn xứng đáng là một kiệt tác mà nhà phê bình Thái Bá Vân từng đánh giá: Hình tượng cô bé trong “Em Thúy” phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn từng tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật ở Việt Bắc, rồi làm Hiệu trưởng của trường và đảm nhiệm cương vị này trong suốt 15 năm (1954-1969). Ông là Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (1958-1983), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1983-1989), Đại biểu Quốc hội khóa 2... Họa sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996). Tên của ông được đặt cho một con phố thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. |