Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Hết quý 1, tín dụng đã tăng được 1,47%, đáng nói hơn cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng kinh doanh sẽ khởi sắc vào quý 2.
Giảm thêm lãi suất cho vay nhắm tới doanh nghiệp
Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng khi hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường. Số liệu thống kê mới nhất cho biết tính đến thời điểm 19/3/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,49% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm trước tăng 1,55%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,51%); tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 0,68%).
Trong khi đó, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2021 Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau nỗ lực nghiên cứu và triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia. Trong nước, tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý 4 năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phố cuối tháng 1 cũng đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, do diễn biến Covid-19 còn phức tạp nên NHNN xây dựng 3 kịch bản tín dụng.
Kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý 1 và tiêm chủng vaccine đại trà, tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14%. Kịch bản 2 là trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine, tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%. Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.
Hiện NHNN vẫn đang tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng quý đầu năm để các ngân hàng triển khai, trong khi cơ quan này tính toán xong mục tiêu cả năm 2021. Nhưng với kịch bản như trên, nếu thị trường thuận lợi, mức tăng trưởng tín dụng vẫn khá cao. Mặc dù các ngân hàng vẫn kỳ vọng tín dụng sẽ khả quan hơn năm 2020 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế hồi phục, DN quay trở lại nhịp kinh doanh. Nhưng rất có thể, các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới, bởi đây là giải pháp quan trọng kích thích nhu cầu vay vốn doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để tăng trưởng tín dụng theo đúng các mục tiêu và hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, mấu chốt còn nằm ở việc các ngân hàng kích cầu vay vốn, tăng cường hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Nên các ngân hàng có thể nới lỏng tiêu chuẩn cho vay nhóm khách hàng ưu tiên, nhóm khách hàng DN nhỏ và vừa trong bối cảnh khó khăn là điều nên làm.
Thanh khoản ngân hàng hiện nay rất tốt, nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng dù lãi suất điều chỉnh giảm. Số liệu của NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn thành phố tăng 0,3%, tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm ngoái.
Lãi suất phụ thuộc vào mức tăng trưởng tín dụng?
Theo giới chuyên gia, lãi suất sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức tăng trưởng tín dụng. Ở thời điểm này, nhu cầu vốn vẫn đang bị “nghẽn” do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Đồng thời hạn mức tín dụng cả năm cho các ngân hàng vẫn chưa được NHNN công bố. Vì vậy, các ngân hàng chưa thể “mạnh tay” đẩy vốn ra thị trường.
Thực tế, những năm trước, NHNN sẽ sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau ngay từ tháng 1 hoặc tháng 2.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm này, NHNN đang tính toán hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Trong thời gian chờ tính toán mục tiêu cả năm 2021, NHNN tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng có thể thực hiện hoạt động cho vay ngay.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, về vấn đề điều hành lãi suất trong thời gian tới, theo số liệu trong báo cáo cuối năm 2020, đánh giá cả nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói lãi suất là một trong những chỉ số rất quan trọng và cũng đã được triển khai một cách quyết liệt. So với mặt bằng đầu năm 2015-2016, lãi suất huy động giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6% so với giai đoạn trước đây. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa cho các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% đối với các đối tượng ưu tiên này nếu so với năm 2016.
Ngoài ra, tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức lãi suất bình quân của ASEAN +4, đây là một trong những chỉ số rất tích cực thời gian vừa qua. Thời điểm hết tháng 3/2021, mức lạm phát và chỉ số CPI tăng thấp, tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn đang có những dấu hiệu tích cực, dư nợ tín dụng đang có chiều hướng tích cực với mức tăng 2,04% (cùng kỳ năm ngoái là 1,3%).
Chính vì thế, việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là tạo sự ổn định, hiện nay đang ổn định và duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng trong năm nay) hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường vốn hoặc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý.
“Nếu như những chỉ số đó tích cực thì NHNN sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Mặt khác vẫn yêu cầu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt những chi phí tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021, trước mắt là những tháng đầu năm” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.
Theo các chuyên gia, để tăng trưởng tín dụng theo đúng các mục tiêu và hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, mấu chốt còn nằm ở việc các ngân hàng kích cầu vay vốn, tăng cường hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Nên các ngân hàng có thể nới lỏng tiêu chuẩn cho vay nhóm khách hàng ưu tiên, nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh khó khăn là điều nên làm.