Chiều ngày 21/9, tại TP Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải chủ trì buổi họp báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đây là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc trong khu vực ĐBSCL, nối vào hai tuyến cao tốc trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết 13 tỉnh, thành trong vùng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, kết nối thành phố trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với 5 tỉnh trong vùng.
Dự báo nhu cầu vận tải đường bộ giai đoạn 2025-2030 trên hành lang Cần Thơ - Cà Mau khoảng 30.000-41.000 xe quy đổi/ngày đêm, nhưng với năng lực các quốc lộ hiện có chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 27.800-30.600 xe. Từ những số liệu trên cho thấy, việc xây dựng tuyến cao tốc này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trên hành lang vận tải Cần Thơ - Cà Mau.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án.
Phương án thứ nhất, tổng mức đầu tư dự án là 46.200 tỷ đồng, tổng chiều dài 141km, ưu điểm là tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) 750ha, thấp nhất trong 3 phương án do tận dụng được đường cũ; có cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24 km, TP Bạc Liêu 25 km, TP Vị Thanh 35 km…); dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc; có nhiều kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi để phân loại đầu tư, thi công thuận lợi.
Phương án thứ hai có tổng mức đầu tư cao nhất 61.000 tỷ đồng, với chiều dài 138 km, diện tích GPMB 900 ha (lớn nhất); có cự ly kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24 km, TP Bạc Liêu 25 km, TP Vị thanh 35 km…), dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, có nhiếu kết nối vào đường hiện hữu nên thuận lợi đầu tư, giải pháp thi công thuận lợi.
Còn phương án thứ ba, có tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dài 124 km, diện tích GPMB 800 ha; kết nối gần về phía TP Vị Thanh (10 km) nhưng cách TP Sóc Trăng 41 km và TP Bạc Liêu 46 km và các đô thị khác. Phương án này khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc hơn, hướng tuyến cũng có ít kết nối vào đường hiện hữu, cần xây dựng đường công vụ khi thi công.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lưu ý việc lựa chọn phương án đầu tư phải theo tinh thần chỉ đạo tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau khi làm việc với các tỉnh thành ĐBSCL hồi đầu tháng 8/2020.
Với các địa phương, hạn chế tối đa việc phải thu hồi đất lúa vì đây là vùng vựa lúa của quốc gia, cần nghiên cứu kỹ, cụ thể, chi tiết hơn, phương án nào hiệu quả nhất cả về kinh tế, an ninh quốc phòng… để báo cáo có tính khoa học, thuyết phục cao nhất.