Trong năm 2016, đã có hơn 3 triệu người chết vì sử dụng đồ uống có cồn, tương đương 1/20 tổng số người chết trên toàn thế giới - theo báo cáo mới mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây. Hơn 75% số người chết là nam giới.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 2,3 tỷ người sử dụng đồ uống có cồn (Nguồn AP).
Nguyên nhân chủ yếu gây ra số người chết nói trên có 28% là do tai nạn, chấn thương, tiếp đến, 21% do các chứng bệnh rối loạn tiêu hóa và 19% do các loại bệnh về tim mạch; phần còn lại là do các loại bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn thần kinh và nhiều chứng bệnh khác có liên quan tới đồ uống có cồn.
3 triệu người chết liên quan đến rượu đã được ghi nhận trên toàn cầu trong năm 2016 - chiếm 5,3% tổng số người chết trong năm đó. Trong khi đó, HIV/AIDS chỉ chịu trách nhiệm cho 1,8% số ca tử vong toàn cầu cùng năm, tai nạn giao thông là 2,5% và bạo lực chiếm 0,8% - nghiên cứu của WHO cho biết.
“Lượng cồn mà người dân trên toàn thế giới tiêu thụ tiếp tục duy trì ở mức cao” - TS Vladimir Poznyak, Điều phối viên cơ quan Quản lý lạm dụng chất nghiện của WHO, cho hay - “Tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải nỗ lực hơn trong việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và xã hội do việc sử dụng cồn gây ra”.
Báo cáo mới cũng chỉ ra rằng, sử dụng đồ uống có cồn cũng là nguyên nhân tạo nên 5% tổng số chi phí mà các nước phải chi để chữa trị các loại bệnh tật, và là nguyên nhân chính gây ra hơn 200 loại bệnh và chấn thương khác nhau.
Ước tính có khoảng 237 triệu đàn ông và 46 triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị mắc các chứng rối loạn do sử dụng đồ uống có cồn, trong đó khu vực châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đó là Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
“Có rất, rất nhiều người, gia đình họ và nhiều cộng đồng người hứng chịu hậu quả tai hại của việc sử dụng cồn” - TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc điều hành WHO, nói - “Giờ là lúc để tăng cường hành động ngăn chặn mối đe dọa nghiêm trọng này, nhằm phát triển các cộng đồng khỏe mạnh”.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 2,3 tỷ người sử dụng đồ uống có cồn - theo WHO, trong khi nhiều kết quả nghiên cứu do các trường ĐH công bố mới đây cũng chỉ ra rằng phần lớn trẻ em bắt đầu sử dụng đồ uống có cồn ở độ tuổi trước 15. Trên thế giới, 45% lượng cồn được tiêu thụ dưới dạng rượu mạnh, tiếp đến là bia (34%) và các loại rượu khác (21%).
Người uống rượu được định nghĩa bởi việc họ có uống ít nhất là một lần trong năm qua - tiêu thụ 33 gram rượu nguyên chất mỗi ngày. Đây là mức tương đương với hai ly rượu vang, một chai bia lớn hoặc hai shot rượu.
Một nghiên cứu mới đây còn chỉ ra rằng việc hấp thụ cồn - ở bất kỳ mức độ nào - cũng gây tổn hại cho sức khỏe con người nói chung, và mang tới nhiều rủi ro mắc bệnh ung thư, các bệnh tim mạch và nhiều loại bệnh khác.
“Dù việc hấp thụ một lượng rượu cực nhỏ mang lại lợi ích khá tốt cho tim và lưu thông máu, nhưng rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những rủi ro về sức khỏe tổng thể mà uống rượu quá mức gây ra” - Jeremy Pearson, Phó Giám đốc Y tế thuộc Tổ chức Tim mạch Anh, nói trong một báo cáo công bố mới đây.
Báo cáo trên chỉ ra rằng lượng tiêu thụ cồn trên đầu người trên toàn thế giới sẽ tăng trong khoảng thời gian 10 năm tới, đặc biệt là ở khu vục Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Hiện nay, dù 95% các quốc gia trên toàn thế giới đã áp đặt thuế đối với các loại đồ uống có cồn, WHO vẫn khuyến cáo toàn thế giới đưa ra nhiều hành động hơn nữa, nói rằng có chưa đến 50% quốc gia trên thế giới áp dụng các chiến lược về giá, như cấm bán các loại rượu giá rẻ hoặc cấm giảm giá rượu bia.
Các nước thành viên của WHO trong năm 2010 đã đạt sự đồng thuận về 10 biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng đồ uống có cồn - trong đó bao gồm các chính sách về giá cùng biện pháp thị trường và cấm đồ uống có cồn. Như một phần trong thỏa thuận này, các nước tuyên bố “gánh nặng về sức khỏe và xã hội” mà cồn gây ra cần phải giải quyết như một “ưu tiên về y tế công”.
“Giảm lượng tiêu thụ cồn trên thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích, cải thiện sức khỏe và sự thịnh vượng của nhân loại” - Steven Bell, chuyên gia dịch tễ học thuộc ĐH Cambridge (Anh), nhận định.
Theo vị chuyên gia này, trong thập kỷ qua, loài người đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về mối liên kết giữa đồ uống có cồn với các loại bệnh tật, đặc biệt là con người bắt đầu thay đổi suy nghĩ rằng uống rượu bia hạn chế mang lại lợi ích về mặt sức khỏe. Đã có rất nhiều nỗ lực trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn việc sử dụng quá mức đồ uống có cồn.
“Tuyên truyền nhận thức và ngăn chặn tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn đã trở thành điều thường thấy trong bối cảnh hiện nay, điều này giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Chưa bao giờ là quá muộn để thay đổi hành vi có liên quan tới sức khỏe” - ông Bell nói.