30 năm đổi mới - Sự chuyển mình ấn tượng

Việt Thắng 15/12/2016 01:07

30 năm trước, ngày 15/12/1986, khai mạc Đại hội lần thứ VI của Đảng. Đại hội đã thông qua chính sách đổi mới, mở ra một chương mới trong lịch sử Việt Nam. Quá trình cải cách được tiến hành sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đến nay quá trình đổi mới đã đạt được những thành tựu lớn trên mọi mặt, dân chủ hóa các hoạt động chính trị, kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đó là tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định suốt 30 năm qua với mức tăng trưởng bình quân 6,6%/năm. Chính nhờ tăng trưởng bình quân 6,6% như vậy nên nền kinh tế tăng về quy mô, rất đáng ấn tượng.

30 năm đổi mới - Sự chuyển mình ấn tượng

Thành phố Hồ Chí Minh có những bước tiến vượt bậc trong 30 năm Đổi mới.

Tháng 7/1986, với tinh thần “nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có kiểm điểm sai lầm, mà theo ông “một trong những sai lầm nghiêm trọng là sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”.

Từ thực tiễn của cuộc sống, vào thời điểm ấy, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo sửa chữa, hoàn thiện báo cáo chính trị để trình ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đề ra đường lối đổi mới của Đảng.

Và người tiếp bước thiết kế công cuộc đổi mới, thực hiện phương cách làm ăn mới chính là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 12/1986 ông đã xây dựng chính sách đổi mới cho đất nước, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ chỗ “có 7 triệu người thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới”.

Thời điểm lúc này Việt Nam bị khó khăn bủa vây tứ phía. Cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền trước đó bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến nền kinh tế xuống dốc.

Xuất nhập khẩu thu hẹp, đình đốn, lạm phát có thời gian lên tới trên 700% khiến hơn 7 triệu người thiếu đói. Viện trợ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cắt giảm, đất nước bị cấm vận.

Nhìn thấu yêu cầu của đổi mới, nhất là kinh tế, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc bấy giờ đã khẳng định: “Không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại”.

Đại hội đã quyết định đường lối đổi mới, tập trung đổi mới từ nền kinh tế quốc doanh, tập thể chuyển sang kinh tế nhiều thành phần; bãi bỏ chế độ tem phiếu khiến nhiều mô hình làm ăn được mở ra, đời sống nhân dân dần khởi sắc.

Từ năm 1986 đến nay, với những đổi thay to lớn cho đất nước trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực của đời sống xã hội với những thành tựu.

Việt Nam từ một nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội đầu những năm 1980 của thế kỷ XX, được liệt vào hàng những nước kém phát triển đã vươn lên là một nước phát triển trung bình thấp.

Từ một nước đói nghèo với tỷ lệ cao, trở thành một nước có tỷ lệ nghèo dưới 10% theo chuẩn mới, từ một nước đóng cửa, có vị thế kinh tế, chính trị thấp Việt Nam đã mở cửa, có quan hệ rộng rãi với cộng đồng quốc tế và tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, chính trị của khu vực và thế giới.

PGS TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG Hà Nội phân tích: Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có sự chuyển mình ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2015, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, với việc tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO, là thành viên của Cộng đồng ASEAN, tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới Việt Nam cũng không tránh khỏi những vấn đề như kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế và tình trạng nợ công cao.

Ấn tượng sâu sắc đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam trong 30 năm qua, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong hơn ¼ thế kỷ, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Quá trình đổi mới dựa trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của nhân loại và áp dụng phù hợp với đặc thù của Việt Nam như thành quả trong việc đổi mới mang tính đồng bộ, từ mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp.

“Và quá trình đổi mới đã luôn dựa trên nguyên tắc lấy dân làm gốc” đã được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề cập đến như một quá trình xuyên suốt trong sự phát triển của Việt Nam.

Trước những dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế trong 30 năm, đề cập đến những thành tựu nổi bật của đất nước sau 30 năm đổi mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận rằng “đó là tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định suốt 30 năm qua với mức tăng trưởng bình quân 6,6%/năm”.

Và theo ông “chính nhờ tăng trưởng bình quân 6,6% như vậy nên nền kinh tế tăng về quy mô rất đáng ấn tượng”.

Chỉ ra những nhân tố để Việt Nam đạt được những thành công trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đưa ra luận cứ: Chúng ta đã ký hiệp định thương mại với Mỹ năm 2000 nguồn nhân lực đã tăng cả về chất lượng và số lượng, mỗi năm thêm 1 triệu lao động, và đây là đặc thù của Việt Nam vì lao động làm ra GDP.

Sau năm 2007 nền kinh tế lại tăng cao hơn nữa, nhanh hơn nữa. So với các giai đoạn trước có 3 điểm mới vì chúng ta đã tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO, thị trường thế giới mở, đầu tư nước ngoài giai đoạn này cao hơn giai đoạn trước, cao bình quân hơn. Nhờ có đầu tư nước ngoài trình độ lao động cao hơn.

“Nhờ quy mô nền kinh tế tăng ấn tượng, đặc biệt là 20 năm gần đây mà thu nhập của chúng ta tăng mạnh. Từ năm 2008 chúng ta đã thoát nghèo” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    30 năm đổi mới - Sự chuyển mình ấn tượng