Những ngày này, các địa phương trong cả nước đều tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. Truyền thống CCB Việt Nam cũng chính là truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ. Không còn trong quân ngũ nhưng các CCB vẫn phát huy truyền thống cao cả của Quân đội trong cuộc sống đời thường.
Xúc động ngày gặp lại của những người đồng đội. Ảnh: Hoàng Như.
1. Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có trên 4 triệu CCB, là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; được rèn luyện qua thử thách, gian khổ và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng; kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong đội ngũ ấy, có những người từng tham gia các đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930-1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, du kích Ba Tơ, kháng chiến chống Pháp… Và số đông là CCB trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ở một số địa phương đã xuất hiện những Câu lạc bộ CCB, Ban liên lạc truyền thống, Ban liên lạc đồng đội, đồng ngũ... nhằm giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường. Từ đó, nhiều ban liên lạc, câu lạc bộ CCB đề nghị Đảng, Nhà nước cho phép thành lập tổ chức Hội CCB trong cả nước.
Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 6/12/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định cho thành lập Hội CCB Việt Nam. Từ đó, ngày 6/12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội CCB Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập, Hội CCB Việt Nam nhanh chóng khẳng định được vai trò, vị trí của mình, từng bước xây dựng hệ thống tổ chức Hội vững mạnh; bảo đảm chính trị, tư tưởng, đội ngũ cán bộ, hội viên. Hệ thống tổ chức Hội đã được xây dựng hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở. Đến nay 100% xã, phường có tổ chức Hội và xuống các thôn, ấp, bản, tổ dân phố đều có chi hội, phân hội hoặc có CCB làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng.
Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Hội CCB Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2012), hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2002, 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2017), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005) vì đã có công lao to lớn và có nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc đổi mới của đất nước; đặc biệt Hội được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Ítxala (Tự do) hạng Nhất; Hội đã có hàng trăm tập thể cá nhân của Hội được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, trong đó có 21 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hàng trăm tập thể, cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ; các ban, bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng và tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
2. Không chỉ ở thành thị, nông thôn đồng bằng, mà ở những thôn bản miền núi, Hội CCB cũng được thành lập và có những đóng góp tích cực.
Tại huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), chính quyền và người dân đều ghi nhận những đóng góp tích cực của các CCB là người dân tộc thiểu số. Trong cái khó chung của huyện, nhất là ở các xã vùng sâu của huyện, thì cuộc sống của các CCB cũng khó khăn. Tuy nhiên, giữ vững và phát huy bản chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB tuy tuổi đã cao, mang trong mình thương tật song vẫn nỗ lực để làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Họ chính là tấm gương sáng trong các thôn làng vùng sâu.
Tại huyện Krông Bông, xã Yang Mao có 219 CCB, trong đó nhiều gia đình CCB là người dân tộc thiểu số cũng trong diện nghèo và cận nghèo. Vượt qua khó khăn, nhiều CCB đã nỗ lực cùng với gia đình tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Hay như ở thôn Ea Hăn (xã Cư Đrăm) có những thương binh nặng nhưng vẫn vượt qua đau đớn của cơ thể vẫn sống rất gương mẫu. Họ luôn thực hiện tốt lời Bác dạy năm xưa: “Thương binh tàn nhưng không phế”; hàng ngày vẫn phụ giúp con cháu những việc có thể làm được; là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, cho thôn bản.
Tại khu vực vùng cao tỉnh Quảng Ngãi, cũng có nhiều CCB người dân tộc thiểu số đi đầu gương mẫu, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Tại tổ dân phố Nước Bung, thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà), nhiều CCB rất nhiệt tình với phong trào của địa phương. Các CCB không bao giờ vắng mặt các buổi sinh hoạt ở khu dân cư, thường tổ chức vào ban đêm. Họ lắng nghe ý kiến của bà con, từ đó kiến nghị lên cấp trên giải quyết. Cũng ở những buổi sinh hoạt đó, các CCB đã chủ động tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa...
Nói chung, vai trò của CCB là người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn ở các địa bàn miền núi. Trên thực tế, các CCB luôn gương mẫu đi đầu về mọi mặt công tác, từ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đến giáo dục con cháu; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, đóng góp xây dựng nông thôn mới...
Hoàn thành nghĩa vụ trong quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường gắn bó với bà con láng giềng trong thôn, trong xã; những người lính Cụ Hồ năm xưa nay là CCB luôn là tấm gương sáng cho mọi người. Không ngại khó, ngại khổ, đội ngũ CCB đã và đang đóng góp hết sức mình xây dựng quê hương đất nước, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.