Tháng 7/2024, Kiểm toán nhà nước Việt Nam (KTNN) sẽ tròn 30 tuổi. 30 năm qua, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động KTNN đã tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.
Tạo khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, thành tựu nổi bật đầu tiên của KTNN trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển là khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
KTNN thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ và tổ chức, hoạt động theo Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 13/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của KTNN.
Năm 2005, Luật KTNN được ban hành đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới cho KTNN, từ cơ quan thuộc Chính phủ trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Luật KTNN năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của KTNN, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN, từ năm 2015 đến nay, Tổng KTNN đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết thi hành Luật KTNN, làm cơ sở, nền tảng cho tổ chức và hoạt động kiểm toán trên thực tế…
Ngày 28/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, qua đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đồng thời có tác dụng giáo dục pháp luật, duy trì trật tự, giữ gìn kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật về hoạt động KTNN.
Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, KTNN đã chú trọng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan khối nội chính, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan và các địa phương.
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng kiểm toán
Thành tựu nổi bật thứ hai trong 30 năm xây dựng và phát triển được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh là tổ chức bộ máy của KTNN có nhiều bước phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Ngày đầu thành lập, KTNN chỉ có 5 đơn vị thì đến nay đã có 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương.
“Sự trưởng thành của KTNN bắt đầu từ khi thành lập rồi phát triển thành các KTNN khu vực, KTNN chuyên ngành. Như vậy, sự phát triển hệ thống các KTNN chuyên ngành và khu vực phản ánh đúng bản chất hoạt động của từng chuyên ngành kinh tế, giúp KTNN thực hiện toàn diện hơn, hiệu quả hơn công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức KTNN cũng có sự phát triển vượt bậc (từ biên chế của KTNN chỉ có 60 người ngày đầu thành lập, đến nay là 2.079 người); từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp kiểm toán và có nhiều tiến bộ, ngày càng hiệu lực, hiệu quả, chất lượng không ngừng được nâng cao…
"Hằng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán trên dưới khoảng 250 đoàn kiểm toán và chúng tôi kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN kiến nghị để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đảm bảo cho sự phát triển của đất nước. Một kết quả quan trọng nữa chính là việc KTNN kịp thời tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công" - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Theo số liệu tổng hợp của KTNN, từ khi thành lập đến nay, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 738.455 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật…
“KTNN càng được tin cậy, tín nhiệm như là vũ khí sắc bén để phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Ngọc Son.
Tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập sâu rộng
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, dấu mốc thứ tư trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển KTNN là hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng sâu rộng. Ngay từ khi thành lập, KTNN đã xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác này.
Báo cáo của KTNN cho biết, đến nay, KTNN đã mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) và các tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực; ký kết 29 thỏa thuận quốc tế với các SAI và các tổ chức quốc tế. Một số thỏa thuận quốc tế đã đi vào các nội dung cụ thể, thực chất, tập trung vào chương trình, dự án mà các bên cùng quan tâm. KTNN đã chủ động, tích cực hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của các tổ chức INTOSAI, ASEANSAI và đặc biệt trong khuôn khổ ASOSAI.
Trong khuôn khổ INTOSAI, KTNN cử nhiều lượt công chức tham gia hoạt động chuyên môn của INTOSAI về lập kế hoạch chiến lược, thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, kiểm toán môi trường. Hiện nay, KTNN đang đề nghị trở thành thành viên Nhóm công tác kiểm toán môi trường của INTOSAI. Trong khuôn khổ ASOSAI, KTNN phát huy hiệu quả vai trò thành viên Ban điều hành ASOSAI và tổ chức đăng cai thành công Hội nghị Ban Điều hành ASOSAI; là thành viên đương nhiên của Ban Điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp (09 năm) từ năm 2015 đến năm 2024 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Ngoài ra, KTNN được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của tổ chức ASEANSAI. Ngoài thực hiện tốt vai trò Ủy ban Kế hoạch chiến lược, KTNN có nhiều sáng kiến và đóng góp cho sự phát triển chung của ASEANSAI.
Trên mỗi cương vị, KTNN luôn phát huy tốt vai trò của mình, qua đó nâng cao hình ảnh và khẳng định vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, KTNN đã thiết lập và mở rộng mối quan hệ với nhà tài trợ có uy tín, trách nhiệm nhằm thu hút nguồn lực phục vụ mục tiêu chung phát triển KTNN.
Đây là thành quả đáng tự hào và là mốc son quan trọng đối với việc phát triển của KTNN, đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách hành chính, lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, khẳng định vị trí, vai trò của KTNN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã được tặng 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều tập thể cấp Vụ được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. 2 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Một số cá nhân được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba...
Những thành tựu của KTNN trong 30 năm qua là hành trang để KTNN vững vàng bước vào chặng đường mới, viết tiếp truyền thống đầy tự hào của Ngành.
Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 đặt mục tiêu: Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, Chiến lược cũng xác định 3 trụ cột phát triển quan trọng là: khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ.
"Năm 2024, triển khai Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, KTNN đã xây dựng chương trình rất cụ thể, chi tiết, ngay từ khi đào tạo đến khi tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ quan kiểm toán đi đầu, gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực" - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.