Từ những bước đi mở đường của Quảng Ninh trong việc tinh giản bộ máy, đến nay nhiều địa phương đã có những thành quả quan trọng trong việc giảm biên chế, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Từ đó, nhiều nơi đã đổi mới đáng kể phương pháp, lề lối, phong cách làm việc. Chất lượng công việc được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn sự nhũng nhiễu do cán bộ kém về năng lực phẩm chất gây ra.
Minh họa của Đình Tân.
Biến nghị quyết thành hành động
Nhớ lại cách đây 6 năm, năm 2013, Quảng Ninh đã khiến nhiều bộ, ngành trung ương và các địa phương ngỡ ngàng khi ban hành Nghị quyết số 10 về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”. Và cũng chỉ thời gian rất ngắn sau đó, vẫn Quảng Ninh cũng đã đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25).
Thời điểm ấy, tinh giản bộ máy dường như chỉ là chuyện nói cho có phong trào; nhưng với Quảng Ninh thì không thế. Qua thời gian kiên trì suốt 5 năm qua, đến nay, theo báo cáo từ Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh này đã giảm được 40 đơn vị sự nghiệp, 152 phòng, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, giảm 461 biên chế công chức và 1.314 biên chế viên chức so với khi mới “chập chững” đi “khai sơn phá thạch” trong tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Từ quyết tâm của Quảng Ninh, nhiều bộ, ngành, địa phương dường như đã thấy được cái hay, cái lợi trong tinh giản biên chế.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương: Sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết 18, 19- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII - tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Nhiều đầu mối trung gian được cắt giảm, từng bước khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Thực tế, tại Bộ Công an, không bố trí: Cấp tổng cục, 55 cục, vụ và tương đương; 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy; 819 phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội, thực hiện cơ bản cấp phòng trực thuộc đơn vị cấp cục không bố trí cấp đội. Hay như tại Bộ Quốc phòng đã sắp xếp lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp do Bộ quản lý từ 88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước xuống còn 17 doanh nghiệp; giải thể Ban Quản lý đề án 4647; tổ chức lại, điều chuyển Ban Quản lý dự án 678, 98 về Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng… Trên phạm vi cả nước, tính đến ngày 30/6/2019 đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; gần 100 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; gần 500 đầu mối trực thuộc cấp huyện; giảm 7 tổng cục và tương đương… Riêng biên chế, cả nước đã giảm 236.039 người; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm hơn 25.000 người và ở thôn, tổ dân phố giảm hơn 100.000 người.
Nhưng điểm nhấn hay nét nổi bật của việc tinh giản biên chế, chính là sự chuyển biến về nhận thức của các địa phương thông qua bài học kinh nghiệm từ Quảng Ninh. Điểm hay ở chỗ, nhiều tỉnh nghèo lại rất quyết tâm trong tinh giản, sắp xếp lại bộ máy. Bởi, họ thấy, tinh giản sẽ mang đến nhiều cái lợi cho địa phương từ việc làm gọn nhẹ hơn bộ máy hành chính công kềnh và qua đó có thể tiết kiệm chi ngân sách. Nhiều địa phương như: Hưng Yên, Sơn La, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lai Châu, Yên Bái, Tây Ninh… đã chủ động rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế. Một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh đã có cơ chế chính sách hỗ trợ bằng nguồn ngân sách địa phương để tinh giản biên chế. Riêng ngành tổ chức xây dựng Đảng từ tháng 4/2018 đã thí điểm tuyển dụng, bố trí và quản lý công chức theo vị trí việc làm.
Đỡ cồng kềnh, chồng chéo
Là tỉnh chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm tránh sự chồng chéo trong địa bàn hoạt động, ông Dương Văn Thống- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ: Tính từ khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đến nay, về sắp xếp tổ chức bộ máy toàn tỉnh giảm 122 cơ quan, đơn vị. Số lãnh đạo giảm do sắp xếp lại bộ máy toàn tỉnh, giảm 196 lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, cấp phòng, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh, cấp huyện. Toàn tỉnh Yên Bái giảm được 429 biên chế công chức.
Trong khi đó cũng là tỉnh tích cực tinh giản biên chế, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Nguyễn Tôn Hoàng cho biết, về tổ chức bộ máy cấp tỉnh hiện tại có 31 đơn vị trực thuộc cấp uỷ, HĐND, UBND với 120 lãnh đạo, giảm 9 người; với 185 đầu mối cấp phòng, giảm 29 đầu mối; với 373 lãnh đạo cấp phòng, giảm 32 người. Cả Đồng Tháp hiện có 944 đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến huyện (giảm 112 đơn vị) với 30.375 biên chế (giảm 688 biên chế).
Còn tại Bắc Ninh, về tổ chức bộ máy đã thành lập mới 21 cơ quan, đơn vị và thực hiện giải thể, sáp nhập giảm được 208 cơ quan, đơn vị, đầu mối. Khối Đảng, đoàn thể giảm 5 phòng trực thuộc các ban, cơ quan thuộc tỉnh ủy; Khối Nhà nước giảm 1 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở Ngoại vụ) và 16 cấp phòng trực thuộc sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện; 3 cấp phòng trực thuộc trung tâm (thuộc sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện) và sáp nhập giảm 183 cơ quan, đơn vị. Sau khi tổ chức triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương; toàn tỉnh Bắc Ninh đã giảm được 543 biên chế; ngoài ra còn tinh giản được 374 biên chế theo Nghị quyết 100/2018/NQ-HĐND, ngày 17/4/2018 của HĐND tỉnh (cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng sẽ được hỗ trợ kinh phí mức cao nhất 300 triệu đồng/người).
Thực hiện chủ trương nhất thể hóa, kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, nhiều tỉnh đã hợp nhất cơ quan cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có nhiệm vụ tương đồng ví dụ như Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ. Hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND; hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra.
“Quá trình thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, nhân văn, không cầu toàn, nóng vội, trên nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”, “làm thí điểm trước, nhân rộng sau”; đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; lấy công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động, thuyết phục làm căn bản, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, tạo sự thông suốt về tư tưởng,thống nhất trong hành động, vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và nhận được quan tâm, sự ủng hộ, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”- ông Dương Văn Thống nêu kinh nghiệm của Yên Bái.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo khoa học về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới được tổ chức gần đây, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện Nghị quyết số 18 NQ/TW (ngày 25/10/2017) tại ngành mình: Cùng với việc hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý cho việc triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thường xuyên nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm lý không tích cực nảy sinh trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy, trước hết là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý, khắc phục những sơ hở, yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng lực lượng, quản lý, sử dụng, sắp xếp, nhận xét, đánh giá cán bộ. “Làm tốt công tác này nên khi triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhất là đội ngũ tướng lĩnh, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp, nhiều đồng chí đã sẵn sàng đảm nhiệm những cương vị thấp hơn, thậm chí xin không đảm nhiệm chức vụ, nghỉ hưu trước thời hạn, nhiều đồng chí sẵn sàng về công tác tại đơn vị trực tiếp chiến đấu, tại địa bàn cơ sở theo sự phân công của tổ chức, bảo đảm yêu cầu kiện toàn, ổn định của đơn vị, tổ chức theo chủ trương của bộ”- Đại tướng Tô Lâm cho biết.
Từ thực tế của một số bộ, ngành, địa phương có thể thấy: Trong tinh giản, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là một việc khó, nhạy cảm và đụng đến con người nhưng không phải không thể thực hiện. Tất cả các địa phương, đơn vị đã tinh giản thành công cho thấy, nếu tuyên truyền tốt, nếu làm thực sự công tâm thì cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ ủng hộ nhiệt thành.
Tinh gọn giúp cán bộ gần dân
Đây chính là bước tiến lớn trong tinh giản bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả góp phần xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh- đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Dĩnh cho rằng: Đến nay, kết quả cho thấy sự cố gắng trong thực hiện chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho việc sắp xếp lại. Về tổ chức bộ máy, các bộ, ngành đã làm khá mạnh; đã quyết tâm giảm cấp phòng và một số cục, vụ. Còn tại địa phương, các thôn, tổ, xã, phường, huyện đã làm khá cương quyết để tổ chức bộ máy gọn nhẹ, cùng với đó là tinh giản độ ngũ cán bộ công chức. Tinh giản biên chế góp phần xây dựng bộ máy tốt hơn để nâng cao chất lượng. Kết quả này cũng giúp cán bộ gần dân, phục vụ dân tốt hơn.
(Bài cuối: Nhiều kinh nghiệm tốt cho nhiệm kỳ tới)