11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin thời sự đặc biệt: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.
Bản tin chiến thắng ngắn gọn trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây 49 năm, nhưng với NSƯT Kim Cúc, đó là phút lịch sử của cuộc đời bà khi được trao vinh dự đọc bản tin vô cùng đặc biệt: bản tin chiến thắng!
Cũng trong buổi trưa ngày 30/4/1975, tại Đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn”. Lời bài hát có câu: “Bàn tay ta nắm/Nối tròn một vòng Việt Nam...”
Từ thiếu ăn trở thành cường quốc xuất khẩu gạo
Gần trọn nửa thế kỷ đã đi qua, ngày 30/4/1975 chính là cột mốc chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là sức mạnh vô địch của toàn thể dân tộc Việt Nam.
49 năm qua, tinh thần ấy tiếp tục bừng sáng. Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, người Việt Nam lại một lần nữa “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi), cùng nhau xây dựng đất nước hùng cường, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020 và Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020): Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu. Tới nay gạo Việt Nam có mặt ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết thúc năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục về sản lượng, năng suất với kim ngạch xuất khẩu 4,78 tỉ USD, tăng 36,6% so với năm 2022. Hiện Việt Nam đã là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.
Sang năm 2024, thế giới biến động, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, ngay trong quý I xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông nghiệp của nước ta vẫn đạt giá trị cao. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, trị giá gần 1,4 tỷ USD; tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023 Việt Nam có 6 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, là rau quả (5,69 tỷ USD), gạo (4,78 tỷ USD), hạt điều (3,63 tỷ USD), cà phê (4,18 tỷ USD), tôm (3,38 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (13,37 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỉ đô” mới của Việt Nam.
Năm 2024, dự báo nông sản Việt Nam tiếp tục “rộng đường ra biển lớn”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 ngành nông nghiệp sẽ tăng tốc trong xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 - 55 tỉ USD.
Từ một nước thiếu lương thực, một nước nhập khẩu, tới nay cán cân thương mại của Việt Nam đã nghiêng về xuất khẩu. Năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa cả nước ước tính xuất siêu 28 tỉ USD (năm 2022 xuất siêu 12,1 tỷ USD). Riêng quý I/2024, xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Đường sá tới đâu, thịnh vượng tới đó
Cùng với nông nghiệp, một trong những điểm sáng thời gian qua là phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông hiện đại trong phạm vi cả nước. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết năm 2024 đặt mục tiêu nâng tổng số cao tốc khai thác cả nước lên 2.021 km. Cùng đó là trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ngoài 3 dự án cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản sẽ khởi công trong năm 2024 (cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), sẽ có thêm 11 dự án cao tốc do các địa phương chủ quản sẽ khởi công năm 2024.
Thời gian qua, quá trình làm cao tốc của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2050, cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc.
Với tinh thần “đi trước mở đường”, đến nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Trong đó, đường bộ cao tốc đã hoàn thành 1.580km.
Đường sá tới đâu thịnh vượng tới đó. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy của đất nước đang hiện đại nhanh chóng. Đó là kết quả chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, giao thông “đi trước mở đường”.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, thật khó có thể hình dung đất nước đã xây dựng được hệ thống giao thông vững vàng đến thế. Đó là biểu hiện sinh động của quyết tâm dám nghĩ dám làm, đi tắt đón đầu, tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam, điểm sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo
Tăng tốc phát triển kinh tế, nhưng an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sát, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại Tọa đàm của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội với Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển, liên quan tới việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững; Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.
Báo cáo phát triển con người toàn cầu do UNDP xây dựng cũng cho thấy, chỉ số phát triển con người của Việt Nam luôn được cải thiện và Việt Nam đã được xếp vào nhóm phát triển con người cao từ năm 2019.
Tại tọa đàm, ông Surya Deva - Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển đánh giá rất cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm. Thành tựu đặc biệt nổi bật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Liên hợp quốc luôn coi Việt Nam như một điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo.
Được ví như “một cuộc cách mạng”, chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.
Trong suốt những năm qua, các phong trào giảm nghèo, vì người nghèo, giúp người nghèo thoát nghèo, vươn lên làm giàu đã được cả nước thực hiện hiệu quả. “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên thực tế đã trở thành “mệnh lệnh từ trái tim” đối với mọi người dân, doanh nghiệp.
49 năm kể từ ngày Chiến thắng, ngày đất nước thống nhất, ngày mà “Ta lại về ta những đứa con/Máu hòa trong máu đỏ như son” (thơ Tố Hữu), đất nước đã tiến những bước dài trên con đường no ấm; thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu: bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu (Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945, của Chủ tịch Hồ Chí Minh).