Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, sáng ngày 21-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức khai mạc, đánh dấu một chặng đường với những thành quả đáng tự hào và đặt ra những nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ mới.
Quang cảnh buổi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi
lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020.
Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy, Lê Viết Chữ nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu, diễn biến phức tạp trên biển Đông; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra nhưng Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong số ít các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.
Quả thật đó là một chặng đường đã qua mà Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Quy mô nền kinh tế tăng lên đáng kể. Giai đoạn 2011 – 2015, thu ngân sách ước đạt 128.190 tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.485 USD, vượt 13% so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 7,2%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Bà Tòng Thị Phóng, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Nhà máy lọc dầu và nhiều nhà máy trong Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP - Quảng Ngãi thực sự trở thành hạt nhân phát triển, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Quảng Ngãi ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên thành một trong 10 địa phương thu ngân sách cao, có điều tiết cho ngân sách Trung ương. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông có bước phát triển mạnh; hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 A đoạn qua Quảng Ngãi, đường Mỹ Trà - Mỹ Khê, đường bờ Nam sông Trà Khúc…Các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khá; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn, dịch bệnh được khống chế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được chú trọng phát triển; các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát huy...
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể các cấp tiếp tục được đổi mới, hướng về cơ sở; ngày càng thiết thực, hiệu quả. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; đoàn kết trong Đảng được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Vị thế và uy tín của tỉnh ngày càng được khẳng định.
Các vùng kinh tế được chú trọng phát triển đồng bộ, phát huy được lợi thế của vùng trong mối liên kết. Cụ thể, đối với vùng đồng bằng đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đã xây dựng 10 cánh đồng mẫu lớn, với diện tích gần 300 ha; chăn nuôi bò phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Vùng nguyên liệu mía, mì, keo cơ bản đáp ứng đủ cho công nghiệp chế biến tinh bột mì, sản xuất bio-ethanol, công nghiệp mía đường, dăm, gỗ…
Bí thư Tỉnh ủy, Lê Viết Chữ, phát biểu khai mạc tại Đại hội.
Về phát triển ven biển và hải đảo, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, kinh tế biển có bước phát triển; triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản; phát triển tàu có công suất lớn; quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá; tổ chức liên kết sản xuất trên biển thông qua vận động ngư dân tham gia hợp tác xã nghề cá, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá; nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. Toàn tỉnh có 5.480 chiếc tàu, công suất bình quân 170 CV/chiếc, tăng 85 CV/chiếc so với năm 2010. Sản lượng thủy sản tăng bình quân 7,4%/năm. Năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt 150.590 tấn; giá trị sản xuất đạt 1.180 tỷ đồng, tăng bình quân 6,4%/năm. Hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, đã xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão, 3 công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản; đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 nhà máy chế biến thủy sản, 24 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền.
Đối với khu vực miền núi, các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH luôn được tập trung thực hiện; KT-XH chuyển biến tích cực, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,78%/năm (1); hạ tầng KT-XH được đầu tư, nâng cấp; trong 5 năm qua, nguồn lực từ NSNN đã đầu tư phát triển cho khu vực miền núi là 3.500 tỷ đồng; hộ nghèo giảm từ 32.690 hộ (năm 2010) còn 16.264 hộ (năm 2015), trung bình giảm 6,8%/năm.
Quang cảnh Đại hội.
Công tác phát triển nguồn nhân lực được thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu từ khảo sát thực trạng, dự báo nhu cầu đến quy hoạch, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Đã huy động được 9.800 tỷ đồng, đầu tư toàn xã hội cho công tác phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh cũng đã chú trọng, thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm ASXH. Bình quân mỗi năm khoảng 36.500 lao động được giải quyết việc làm. Trong 5 năm, xây dựng 6.172 nhà, sửa chữa 1.213 nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo với tổng kinh phí 213,396 tỷ đồng. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được xã hội quan tâm chú trọng. 5 năm qua, chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực VH-XH khoảng 27.968 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác tổ chức, cán bộ đạt được kết quả tương đối toàn diện; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên.
Trao quà đến các vị nguyên lãnh đạo tỉnh; các Bà Mẹ VNAH, AHLLVT.
Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo tuyên truyền, định hướng để cán bộ, đảng viên, nhân dân bình tĩnh, thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật, không gây mất TTXH và bất ổn định về môi trường đầu tư; chỉ đạo động viên, hỗ trợ kịp thời để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bí thư Lê Viết Chữ nhấn mạnh: Bước sang giai đoạn 2015-2020, cùng với cả nước, Quảng Ngãi hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và khu vực, mở ra nhiều thời cơ thuận lợi để tăng tốc phát triển, nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Với ý chí và quyết tâm phấn đấu cao nhất Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm thực hiện chủ đề “Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống anh hùng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển toàn diện và đồng bộ KT-XH; giữ vững AN,QP; phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Các cháu TNTP dâng hoa chúc mừng Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh: Quảng Ngãi, năm xưa có đội Hùng binh – kiêm quản Bắc hải đã vượt qua ngàn dặm biển khơi để cai quản Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa, cắm cột mốc xác lập bảo vệ chủ quyền Tổ quốc- là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, Quảng Ngãi cần phát huy lợi thế của địa phương và bám sát chủ đề đã đặt ra. Chú trọng, kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội; chăm lo giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân,…