Mất 5 thập kỷ theo chân tầng lớp thượng lưu, sự nghiệp nhiếp ảnh gia Slim Aarons không chỉ tập trung khắc họa vẻ ngoài hào nhoáng của cuộc sống tưởng như trong mơ, mà còn nhiều hơn thế nữa.
Slim Aarons từng định nghĩa công việc của mình là "chụp hình những con người có sức hấp dẫn đang làm những điều hấp dẫn tại những địa điểm hấp dẫn". Trong 50 năm, ông chỉ làm đúng công việc đó.
Tài năng của Aarons cho phép ông sử dụng sự quyến rũ và thu hút của mình để "trà trộn" vào tầng lớp thượng lưu, ghi lại cuộc sống và phản ánh vị thế của họ trong những bối cảnh sang trọng.
Với bộ sưu tập của mình, cộng tác viên kỳ cựu một thời của tạp chí Life tự định danh mình là "một người viết sử ưu tú về xã hội Âu Mỹ thời hậu chiến". Tại sao lại là "hậu chiến"?
Vì Aarons bắt đầu sự nghiệp của mình từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước - thời điểm khởi đầu một giai đoạn bùng nổ kinh tế của xã hội phương Tây.
Cuốn sách Slim Aarons: Women (Tạm dịch: Slim Aarons: Những người phụ nữ) theo chân hành trình của nhiếp ảnh gia từ khi còn làm việc cho chi nhánh Rome của tạp chí Life, đến khi trở thành một "nghệ sĩ chân dung" cho những người giàu có.
Từng trang, từng trang một lật mở một cuộc sống phi thực, mà khi đặt dưới góc nhìn của những VIP đương thời, vừa có vẻ xa xôi lại có vẻ gần gũi khó tả: giai cấp tinh hoa trong những căn biệt phủ sang trọng, những ngôi sao điện ảnh bên bể bơi trong vắt...
Aarons có được lòng tin và tiếp cận được những nhân vật tầm cỡ nhất, như Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy, Thân vương phi Grace Kelly của Monaco, Imelda Marcos, Cary Grant, Marilyn Monroe, hay những tiểu thư đài các trên những du thuyền hạng sang và các bãi biển độc quyền.
Người giàu, như F Scott Fitzgerald từng có một câu nổi tiếng, "rất khác với cả tôi và bạn". Nhưng những tác phẩm của Aarons cũng chứng minh bản thân họ cũng đã thay đổi rất nhiều so với quá khứ xa xôi: ít lịch thiệp hơn, và ở một góc độ chắc chắn, sự thừa mứa của họ cũng đồng điệu với một nền văn hóa tư bản trơ trẽn và ái kỷ hơn.
Nghĩ lại thì, có khi đó chỉ đơn giản là một thứ hào quang bóng bẩy được Aarons phủ lên những đối tượng nhiếp ảnh của mình. Đâu đó, những bức chân dung của ông đã định hình cho chủ nghĩa hình thức tách rời của nhiếp ảnh nghệ thuật đương đại.
"Điều luôn làm tôi ngạc nhiên là cách mà ông ấy thuyết phục, quyến rũ những người này mà không hề bị mê hoặc bởi họ. Việc ông ấy qua lại thân mật với những người giàu có và nổi tiếng không ảnh hưởng tới lối sống hay gu thẩm mỹ của bản thân. Ông hoàn toàn không muốn đi chơi với đối tượng được chụp vào cuối ngày và cũng không mong đợi những lời mời đến du thuyền hoặc câu lạc bộ độc quyền. Ông ấy làm việc theo một lịch trình dày đặc, luôn muốn quay lại nông trại của mình càng sớm càng tốt", -Laura Hawk, trợ lý của Aarons từ những năm 80 đến khi ông qua đời năm 2006 chia sẻ.
Chia sẻ ấn tượng về một trong những minh tinh nổi tiếng nhất màn ảnh - Marilyn Monroe, Aarons nói: "Cô ấy rất lo lắng về việc tạo dáng. Tôi đã trấn an cô ấy, nói rằng tất cả những gì cô phải làm là nghĩ về điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra với cô - nhưng hãy nghĩ chỉ bằng đôi mắt, và để phần còn lại của khuôn mặt làm những gì nó muốn. Nhiều năm sau, tôi có mặt trên phim trường The Seven Year Itch. Cô ấy tình cờ đi ngang qua tôi, và tôi, không muốn làm phiền cô ấy, không nói gì. Nhưng cô ấy dừng lại trước mặt tôi, nhìn lên và nói, 'Anh không nhớ tôi, phải không? Tôi không bao giờ quên những gì anh đã nói với tôi… hãy nghĩ về điều tuyệt vời nhất có thể'".
Theo một cách nào đó, các tác phẩm của Aarons luôn có vẻ nâng đỡ, tôn thờ sự giàu sang, vẻ đẹp và đặc quyền của những người phụ nữ thượng lưu, tạo ra một thế giới gần như ngụy tạo về sự hào nhoáng và lịch thiệp.
Trong phần nhập đề hấp dẫn của mình về cuốn sách nói trên, Hawk coi Aarons là người tiên phong cho một loại "chân dung môi trường", trong đó bối cảnh cũng quan trọng trong việc lột tả chi tiết như chính nhân vật chủ thể.
"Slim có một mong muốn hơi trẻ con là lý tưởng hóa từng khổ chủ" - cô viết, "nhằm tô điểm những viễn cảnh thường nhật bằng tưởng tượng của mình về thế giới nhàn hạ của những người giàu có. Những bức chân dung mà ông ấy tạo ra kể một câu chuyện, và sự sắp xếp của các chi tiết thị giác là những mảnh ghép trong câu chuyện giả tưởng ấy". Vì vậy, theo một cách nào đó, Aarons không giống một người chụp chân dung thông thường, mà giống một nghệ sĩ mộng mơ hơn.
Aarons thường ghé qua thăm Wendy và chụp hình mỗi khi ông đến Palm Beach. Wendy nhớ lại: "Ngày nọ, ông ấy ghé qua gặp cha mẹ tôi và hỏi liệu ông ấy có thể chụp ảnh tôi không. Họ cho tôi ăn diện và tôi rất ngượng. Tôi lúc đó mới 15 tuổi và đang ở giai đoạn mới lớn khó xử. (Khác với) mẹ tôi là một người phụ nữ xinh đẹp, tôi lúc nào cũng cau có. Rồi ông ấy nói với mẹ tôi: 'Ôi, Mollie à, chỉ vài năm nữa cô bé sẽ trở thành một người đẹp như bà'. Đó là thời điểm mà phụ nữ chúng tôi chỉ đáng yêu một khi có vẻ ngoài ưa nhìn".
Aarons tỉ mỉ tới mức ám ảnh với cách tiếp cận của mình. Theo Hawk, ông cũng là người có kỷ luật làm việc vô cùng chặt chẽ và cũng rất bảo thủ. Sự khó tính của ông còn đến từ việc nhiếp ảnh gia rất ghét bị quấy rầy trong khi chụp ảnh, nhất là bởi những du khách tò mò.
Mặc dù vậy, sự quyến rũ và thu hút khiến ông trở thành trung tâm của sự chú ý và dễ dàng được mọi người yêu mến nhờ năng khiếu kể chuyện. "Tôi phải nói rằng ông ấy rất Khác biệt, với một chữ K viết hoa" - Hawk chia sẻ.
Những bức chân dung của Aarons thành công nhất, theo ý Hawk, là khi chúng để lộ ra bản chất khiếm khuyết của con người. Cô lấy ví dụ bức chân dung của Peggy Guggenheim ở biệt thự của bà bên những bức tranh của Picasso - dù có vẻ khiêm tốn giữa sự sang trọng của nội thất xung quanh - toát lên một sự chân thực khó bì.
Hoặc, bức chân dung của Mick Jagger cùng Marianne Faithfull vào năm 1968 trong một bữa tiệc của Desmond Guinness còn "nói" nhiều về khát vọng xã hội của Jagger hơn bất cứ bài hát nào của ông.
Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, nhưng nhìn chung, các tác phẩm chân dung của Aarons luôn tận tâm thể hiện ý định "tô hồng" một cuộc sống vốn đã tốt đẹp của tầng lớp thượng lưu, trong khi cùng lúc khắc họa điều gì đó thú vị về cả người đứng trước ống kính và người bấm máy.