Xuân Mậu Thân 1968 chứng kiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy hào hùng và bi tráng của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam. Đó cũng chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước được kết lại ở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975.
Ban chỉ huy một đơn vị quân giải phóng nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích, chiến dịch Mậu Thân 68 (Ảnh: Tư liệu).
Huế là 1 trong 3 chiến trường đô thị trọng điểm, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do đó cũng là mục tiêu mà quân ta quyết tâm bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.
Kể về những ký ức gần nửa thế kỷ qua, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Nguyễn Trung Chính xúc động, đêm 30 Tết Mậu Thân, bộ đội đã được chuẩn bị sẵn sàng, phối hợp cùng quần chúng nhân dân đồng loạt tiến vào thành phố Huế ở cả hướng Nam và hướng Bắc thành phố.
Các lực lượng của ta đã không gặp nhiều khó khăn để bất ngờ chiếm giữ nhiều mục tiêu của địch chỉ trong một ngày đêm.
“Cờ giải phóng bay trên cột cờ Phu Văn Lâu suốt nhiều ngày đêm. Chúng tôi khi đó, đã gọi chiến thắng này là lịch sử và luôn tự hào.
Mặt trận Bình-Trị-Thiên cũng nổi tiếng với sự kiện tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã viết lên bản anh hùng ca sáng chói về tinh thần người lính chiến đấu kiên cường, quả cảm.
Thiếu tướng Phan Văn Lai là nhân chứng lịch sử của cuộc tống tiến công Mậu Thân 1968 kể, thời điểm nổ ra cuộc tổng tiến công, ông phụ trách Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên-Huế, ban đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên-Huế địch bị ta đánh bất ngờ, ta giành thắng lợi lớn, nhưng sau đó địch tập trung lực lượng và các phương tiện chiến đấu đánh phá ác liệt chiếm lại vùng nông thôn, đồng bằng, chiếm lại TP Huế, càn quét liên tục miền núi.
Tuy nhiên, nhờ sức mạnh đoàn kết giữa nhân dân và các lực lượng cách mạng đã giúp bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, lực lượng vũ trang, bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu (gồm 10 xã phụ cận thành phố và 11 khu phố), xây dựng và bảo vệ được các bộ phận an ninh mật cắm ở địa bàn nông thôn, giúp đấu tranh trấn áp phản cách mạng và đã thu được thành quả chưa từng có, đóng góp có ý nghĩa vào thắng lợi chung.
Cũng như ở Huế, Sài Gòn được coi là nơi các trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, nơi đầu não của Mỹ ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn Mậu Thân 1968.
Trong số nhiều chiến công phi thường của các lực lượng vũ trang quân giải phóng vào giai đoạn đó, những người nữ biệt động đã nổi lên như những anh hùng dân tộc.
Bà Đào Thị Huyền Nga (bí danh Hồng Quân) còn nhớ như in những ngày tháng lịch sử của 50 năm trước khi bà tham gia vào tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng tại mặt trận Sài Gòn.
“Tôi còn nhớ rõ từng khuôn mặt đồng đội đã sát vai nhau trên đường phố Sài Gòn. Làm sao quên được khi những đồng đội đã chiến đấu bên nhau khi đối mặt với kẻ thù, cũng không khỏi đau xót bởi những hy sinh của đồng đội sau các trận đánh khốc liệt”- bà Nga nghẹn ngào.
Nữ biệt động Ngọc Anh kể, Sài Gòn sau đợt tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các nhà tù địch vội vã giải các tù nhân chính trị ra Côn Đảo.
Một số thành phần cho là cực kỳ nguy hiểm, chúng đã tìm cách thủ tiêu để diệt trừ hậu họa về sau.
Bà Anh bị bắt và tống giam chung cùng lượt với anh hùng Lê Thị Riêng - lúc đó là cán bộ Hội Phụ nữ TP và anh Chín Ca (tức Trần Văn Kiểu).
Cả 3 người bị còng chặt hai tay, chân cũng bị xích liền với nhau. “Khi chúng đưa 3 chúng tôi lên xe, chạy trong đêm tối, bỗng có tiếng súng nã ầm ầm vào thùng xe. Cả chị Lê Thị Riêng và anh Chín Ca gục xuống, tôi may mắn chỉ bị thương vào đùi nhờ được chị Riêng che chở. Bọn địch còn nã thêm loạt súng thứ 2 để tin chắc không còn tù nhân nào còn sống sót. Thế nhưng may mắn vẫn mỉm cười, tôi còn sống”- bà Anh nhớ lại.
Sau gần nửa thế kỷ, cho đến hôm nay nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích quân sự đều nhận định sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 góp phần tạo lên bước ngoặt lịch sử về nhiều mặt.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành-Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, dù đã 50 năm sau cuộc tổng tiến công nhưng bài học lịch sử rất quý báu của sự kiện này cho đến nay còn nguyên tính thời sự.
Đó là ý nghĩa về tính chiến lược, cuộc tổng tiến công đã giáng đòn quyết định, buộc chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris; gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế.
Cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân ta đã nổ ra hàng loạt ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam. Chiến dịch làm tan rã 600 ấp chiến lược, giải phóng hơn 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.
“Những kết quả ấy thể hiện sự đóng góp thầm lặng, hết sức vẻ vang của các lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ trinh sát, điệp báo, nắm bắt thông tin, bảo vệ các cơ sở đảng, kết nối với các lực lượng trong hợp đồng chiến đấu”- Tướng Thành nói.
Đối với ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong cuộc tổng tiến công này, nhân nhân miền Nam nói chung và nhân dân Sài Gòn nói riêng đã đóng góp vai trò đặc biệt làm nên thắng lợi sau cùng.
Đó là trong suốt các trận đánh, lực lượng an ninh miền Nam đều đã được nhân dân che chở, luôn vững vàng về chính trị, sắc bén về nghiệp vụ, đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với mọi lực lượng để bảo vệ thành quả của cách mạng.
Ông Cang cho rằng, khi soi rọi lịch sử vào tình hình hiện nay đòi hỏi các thế hệ trẻ thành phố kế thừa truyền thống vẻ vang - vừa học tập, công tác, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức; phát triển theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong suốt cuộc chiến, bài học lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cũng chính là bài học về thế trận lòng dân, sức mạnh của nhân dân, che chở, đùm bọc, gắn kết thành một nguồn sức mạnh to lớn, đánh bại mọi âm mưu của các thế lực xâm lược.