Là người trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy- nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 nhìn nhận, thắng lợi này không chỉ là bài học về nắm chắc tình hình, nghệ thuật quân sự tài tình, chiến lược, mà còn là bài học về thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giữ nước.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.
Theo ông Nguyễn Đức Huy, mở đầu chiến dịch Mậu Thân, ta đã tấn công vào căn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Khe Sanh (Quảng Trị).
Chủ trương của ta trong chiến dịch Khe Sanh là tiêu diệt một bộ phận sinh lực của Mỹ ở chiến trường này.
Thứ hai là làm thế nào kéo nghi binh càng nhiều lực lượng quan trọng của Mỹ ra chiến trường Quảng Trị và tập trung vào Khe Sanh. Thứ ba là có điều kiện giải phóng một bộ phận đất đai của ta để tạo điều kiện đưa lực lượng vào đây.
Khi bắt đầu chiến dịch, ở Khe Sanh có 2 sư đoàn và một số trung đoàn của địa phương như Trung đoàn 27, Trung đoàn 100, chưa kể lực lượng dân quân, du kích địa phương đều tham gia chiến đấu ở đây. Lần đầu tiên xe tăng của vào ta vào chiến trường miền Nam là đánh ở Khe Sanh khiến cho địch bất ngờ.
Vì trước đó chưa có xe tăng xuất hiện tại miền Nam. Đó cũng là lịch sử tăng thiết giáp của Việt Nam lần đầu tiên tham gia vào chiến trường. Lúc đó lực lượng của ta mạnh hẳn lên tiêu diệt căn cứ điểm Làng Vây trong 2 ngày (từ 6/2 đến ngày 8/2/1968).
Ông Huy nhớ lại, ta chủ trương tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài trước. Ngày 21/1/1968 (tức mùng 1 tết), Trung đoàn 66 đã tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa - Khe Sanh.
Sau đó ngày 8/2, tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, tức là mở ra một con đường từ Lào qua Sê Pôn vào Hướng Hóa đánh và tiêu diệt Làng Vây giải phóng toàn bộ vòng ngoài của tập đoàn cứ điểm. Còn phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Tà Cơn thì cũng tiêu diệt và bao vây các lực lượng vòng ngoài của địch.
Như vậy toàn bộ vòng ngoài của cứ điểm Tà Cơn đã bị chúng ta tiêu diệt.
Để tiêu diệt Tà Cơn, chủ trương của chúng ta không sử dụng lực lượng lớn để tấn công, mà dùng lực lượng nhỏ, đại đội và tiểu đoàn tổ chức thành cụm chốt ở xung quanh tập đoàn căn cứ điểm Tà Cơn và đào công sự lấn dần vào trong hàng rào để đánh và tiêu diệt quân địch ở trong căn cứ.
Đồng thời tổ chức các lực lượng cắt đứt sân bay Tà Cơn là con đường tiếp tế duy nhất của địch.
Nếu cắt đứt được thì địch sẽ rất khốn đốn. Địch đông như thế nhưng chúng ta chỉ dùng Trung đoàn 9 của Sư đoàn 304 thực hiện nhiệm vụ vây lấn căn cứ điểm này, còn lực lượng cơ đông bên ngoài khi thấy địch đổ bộ ra bên ngoài thì cơ động tiêu diệt.
Mục đích của ta là bao vây cho nó khốn đốn, buộc nó phải bủa quân ra các cao điểm xung quanh.
Trong khi các cao điểm đó ta đã chuẩn bị và nghiên cứu sẵn rồi, và cách đánh ở ngoài công sự thì ta giỏi hơn Mỹ, vì Mỹ chủ yếu dựa vào hỏa lực, còn đánh bộ binh với nhau thì ta mạnh hơn.
Vì thế ta đã làm đường giao thông hào, để cơ động sẵn sàng vào nơi địch có thể đổ bộ chuẩn bị sẵn để địch đổ bộ xuống là đánh. Còn ban đêm là tập kích bất ngờ tấn công.
Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân giải phóng Trị Thiên-Huế nghiên cứu sa bàn chuẩn bị các phương án tác chiến chiến dịch Mậu Thân 1968.
Nghệ thuật quân sự của ta ở đây là không dùng lực lượng lớn đánh vào chỗ mạnh của địch, mà dùng lực lượng nhỏ để vây, lấn, diệt giam chân địch trong căn cứ, cắt đường tiếp tế buộc địch phải đổ quân ra ngoài công sự hay nơi khác đến tăng cường thì ta diệt quân ngoài quân sự.
Sau hơn 1 tháng vây lấn thì cắt được đường tiếp tế khiến địch vô cùng khốn đốn, hàng ngàn quân Mỹ bị chết tại căn cứ điểm Tà Cơn vì thương binh không mang ra ngoài chữa trị được, còn đạn dược vũ khí thiếu vì không chuyển từ ngoài vào, thậm chí không có nước uống vì duy nhất có con suối nhỏ ở bên ngoài khi ra lấy nước ta đã khống chế.
Trong khi chúng ta đang bao vây thì chiến trường vô cùng khốn đốn, có lúc Tổng thống Mỹ buộc tham mưu trưởng liên quân phải ký vào văn bản giữ bằng được Khe Sanh vì lo bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, đến ngày 15/4, buộc địch phải rút khỏi ra chiến trường Khe Sanh vì thiệt hại nặng quá.
Ngoài lực lượng chủ lực thì chiến tranh nhân dân, ở các xã đều có tiếu đội, trung đội du kích trực tiếp cùng tham gia chiến đấu.
Đồng thời các lực lượng để chi viện tiếp tế đạn dược tham gia hàng vạn dân công chuyển lương thực và vũ khí ra chiến trường và chuyển thương binh ra ngoài.
Nó có sự kết hợp cả 3 tuyến quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, và lực lượng dân công.
Sau khi chúng ta giải phóng xong Làng Vây thì tất cả giao cho lực lượng địa phương quản lý. Cuối cùng đến giữa tháng 7 đã giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, và cả vùng Hướng Hóa.
Chiến lược đã hoàn thành góp phần cùng với các chiến trường buộc phá sản chiến tranh cục bộ của địch, từ đó buộc địch phải ngồi đàm phán ở Hội nghị Paris năm 1968.
Thắng lợi của cuộc chiến này theo ông Huy chính là sức mạnh quân dân, nắm chắc địch, và có chủ trương đánh, hướng đánh.
Chủ trương đúng nhưng phải có cách đánh phù hợp, dù địch có mạnh nhưng các đánh phù hợp sẽ đem đến thắng lợi.
Nhưng quan trọng nhất là biết động viên toàn bộ lực lượng, đoàn kết các lực lượng trong từng chiến trường vì đi sâu vào lòng địch phải có nhân dân che chở và dẫn đường.
Sau hơn 1 tháng vây lấn thì cắt được đường tiếp tế khiến địch vô cùng khốn đốn, hàng ngàn quân Mỹ bị chết tại căn cứ điểm Tà Cơn vì thương binh không mang ra ngoài chữa trị được, còn đạn dược vũ khí thiếu vì không chuyển từ ngoài vào, thậm chí không có nước uống vì duy nhất có con suối nhỏ ở bên ngoài ra lấy nước ta đã khống chế. Trong khi chúng ta đang bao vây thì chiến trường vô cùng khốn đốn, có lúc Tổng thống Mỹ buộc tham mưu trưởng liên quân phải ký vào văn bản giữ bằng được Khe Sanh vì lo bị tiêu diệt. |