Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá.
Ngày 16/1, Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam-Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Dự hội thảo có: Uỷ viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam Nguyễn Hoàng Nhiên.
Phát biểu tại hội thảo, Uỷ viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết tại Paris, Pháp, mở ra bước ngoặt trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo ông Thắng, từ năm 1965 cùng với việc đưa quân trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao, với danh nghĩa “để giải quyết vấn đề Việt Nam” nhưng thực chất là “đòi Việt Nam thương lượng không điều kiện”. Trước tình hình đó, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, phản bác lại luận điệu hòa bình giả hiệu của nhà cầm quyền Mỹ đòi Việt Nam thương lượng vô điều kiện; đồng thời, đã trù tính đến cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 tháng 1/1967 chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”, qua đó nâng đấu tranh ngoại giao lên thành mặt trận ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự, có giá trị như một bản Cương lĩnh đấu tranh ngoại giao của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tháng 5/1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, “đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao”, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”. Cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris đã diễn ra đầy cam go, phức tạp, “kéo dài gần 5 năm, với 202 phiên công khai, 36 phiên gặp riêng bí mật, với 500 cuộc họp báo và 1000 cuộc phỏng vấn, đàm phán”. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn Henry Kítxinhgiơ ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.
Đây là văn kiện pháp lý quốc tế khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, với những điều khoản quan trọng. Đó là Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Hoa Kỳ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình.
Ông Thắng cũng khẳng định rằng, nửa thế kỷ đã trôi qua, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị với những bài học kinh nghiệm sâu sắc, quý giá. Đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp chính trị-kinh tế, quốc phòng-an ninh và ngoại giao để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, lấy thắng lợi quân sự và chính trị là cơ sở để tiến công ngoại giao, đoàn kết quốc tế, cô lập kẻ thù.
Trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của bối cảnh quốc tế hiện nay, cần phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động ngoại giao với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh của đất nước; kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân; tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đó là bài học về quán triệt sâu sắc tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Thắng chỉ rõ: “Dĩ bất biến” là kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc về: giữ vững độc lập tự chủ; tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ cùng quân đội nước ngoài phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
“Ứng vạn biến” là tích cực, linh hoạt, chủ động, khôn khéo trong lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh ngoại giao, trong nhân nhượng về những vấn đề thứ yếu, biết giành thắng lợi từng bước trong đàm phán tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. Điều đó làm nên đặc trưng của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc- trường phái ngoại giao Cây tre Việt Nam.
“Ôn lại tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Paris 50 năm về trước để định hướng tương lai, chúng ta quyết tâm vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột gồm đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, ông Thắng nhấn mạnh.