Sáng 27/10, sau 2 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội xác định Phạm Hải Bằng và các đồng phạm nguyên là cựu quan chức ngành đường sắt có tội. Song, do công tác hỗ trợ tư pháp Việt Nam-Nhật Bản gặp khó khăn nên hành vi vòi vĩnh nhận hối lộ của các bị cáo được chuyển thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo đó, HĐXX tuyên phạt 52 năm tù dành cho 6 bị cáo.
HĐXX đã tuyên phạt 52 năm tù cho 6 bị cáo.
Căn cứ truy tố là một cuộc họp?
Trong phần tranh luận với luật sư bào chữa cho các bị cáo, đại diện Viện KSND TP Hà Nội được Viện KSND tối cao ủy quyền giữ quyền công tố tại tòa nêu: Có ý kiến luật sư cho rằng trong vụ án này không xác định được nguyên đơn dân sự (bị hại) nên không thể truy tố, xét xử bị cáo Phạm Hải Bằng và các đồng phạm về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, cần phải xác định JTC không phải là nguyên đơn dân sự của vụ án này.
Căn cứ để khởi tố điều tra, truy tố của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao là do Chính phủ Nhật Bản đề nghị làm rõ những người nhận tiền của JTC và cuộc họp của Bộ Giao thông - Vận tải. Mặt khác, theo kiểm đếm tới thời điểm này, mặc dù khối lượng công việc chỉ mới hoàn thành dưới 50%, song các bị cáo đã thanh toán cho nhà thầu tư vấn hơn 80% số tiền ngoại tệ, 69% số tiền nội tệ.
Như vậy có thể thấy việc không so sánh, đối chiếu công việc thực tế với số tiền thanh toán, mà thanh toán bừa là hành vi làm trái công vụ được giao. Không những chi vượt khối lượng công việc đã thực hiện, bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm còn là nguyên nhân khiến dự án tuyến đường sắt đô thị số 01 bị chậm tiến độ tới 3 năm, gây thất thoát nghiêm trọng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Văn Kỳ (bào chữa cho bị cáo Phạm Hải Bằng) cho rằng: cần căn cứ các quy định của Bộ luật Hình sự, tức là để cấu thành tội phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ cần có chủ thể, khách thể, bị hại... chứ không thể nói là căn cứ điều tra, truy tố, xét xử là một văn bản hay một cuộc họp.
Doanh nhân hay công chức?
Theo nhận định của đại diện VKS, bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm mặc dù là công chức, viên chức Nhà nước nhưng đã cố ý làm trái công vụ, nhận 11 tỷ đồng của JTC đã gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới quan hệ đối tác ODA giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong các văn bản cũng không có quy định nào về việc nhà thầu tư vấn phải chịu trách nhiệm chi tiền lễ, tết, nghỉ mát... cho RPMU. Do vậy việc gây khó khăn để vòi vĩnh nhận số tiền 69,9 triệu Yen Nhật là hành vi trái pháp luật.
Với hành vi làm trái công vụ, trái pháp luật, các bị cáo lại là công chức, viên chức và cán bộ nhà nước thì phải sự điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng.
“Theo luật pháp Nhật Bản, mọi khoản chi ngoài hợp đồng đều là trái pháp luật. JTC cũng đã bị cơ quan thực thi pháp luật của Nhật Bản truy tố, xét xử về hành vi đưa 69,9 triệu Yen cho RPMU. Do vậy, hành vi nhận số tiền 11 tỷ đồng của bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm là trái pháp luật...” - đại diện VKS giữ quyền công tố nêu.
Đối đáp với quan điểm của đại diện VKS, Luật sư Được cho rằng, RPMU là doanh nghiệp được thành lập bởi một doanh nghiệp (là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), có đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP Hà Nội hẳn hoi thì không thể nói RPMU là cơ quan sự nghiệp công lập có thu được. Mà đã không là đơn vị công lập thì sao lại có thể chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng?
“Điều 13 Luật Doanh nghiệp quy định rất rõ về cán bộ, công chức, viên chức kinh doanh. Song, các bị cáo trong vụ án này không hề thỏa mãn các điều kiện được nêu trong Điều 13 Luật Doanh nghiệp thì sao có thể gọi là cán bộ, công chức, viên chức?” - Luật sư Được dẫn chứng.
Lĩnh án tù và bồi hoàn thiệt hại
Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Lục cho rằng mình không đáng bị như thế này và đã bị áp đặt trong việc buộc tội của VKS. Bị cáo Lục lý luận rằng có những việc quản lý dự án là công việc nhạy cảm, ở thời điểm này có thể là đúng, nhưng ở thời điểm khác, hay đứng ở một góc nhìn khác lại là sai.
Bị cáo Bằng thì đã bật khóc: “Đến thời điểm này, bị cáo cũng không biết những nỗ lực để hoàn thành công việc được giao của bị cáo là đúng hay là sai. Nếu Tòa nói có tội thì bị cáo cũng đành chịu, chứ thực sự bị cáo chưa bao giờ có ý định vụ lợi...”. Còn bị cáo Trần Quốc Đông thì “hy vọng” HĐXX đưa ra phán quyết công minh nhất.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bị cáo Phạm Hải Bằng lĩnh án 12 năm tù giam, có trách nhiệm bồi hoàn dân sự 3,5 tỷ đồng; Nguyễn Nam Thái 11 năm tù giam, bồi hoàn 2,5 tỷ đồng; Phạm Quang Duy 8 năm 6 tháng tù giam, bồi hoàn 2 tỷ đồng; Trần Văn Lục 5 năm 6 tháng tù giam; Trần Quốc Đông 7 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Văn Hiếu 7 năm 6 tháng tù giam.
Cả 3 bị cáo Lục, Đông và Hiếu phải bồi hoàn số tiền 359.283.000 đồng. Đây là số tiền các bị cáo phải nộp sau khi đã trừ số tiền khắc phục hậu quả.