Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng theo Bộ Xây dựng, quá trình triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số khó khăn như nguồn vốn, cơ chế chính sách... cần phải sớm được tháo gỡ.
Bộ Xây dựng chỉ ra 6 khó khăn, vướng mắc là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội mà trước tiên là về hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp (DN) cho biết, để thực hiện thủ tục này phải mất thời gian từ 1-2 năm.
Tiếp đó là về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Theo quy định, dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến, hầu hết các địa phương không bố trí quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập. Bên cạnh đó, quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương... dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thiếu nhiều so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng còn vướng mắc. Bất cập thứ 4 là về quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Việc các dự án nhà ờ xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ cho thuê để không, lãng phí.
Bộ Xây dựng phân tích: Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi... là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng do quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến không khuyến khích, thu hút được chủ đầu tư...
Vướng mắc thứ 6 liên quan đến đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 có quy định ưu đãi cho DN, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động, là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện...Những quy định này khiến người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện.
Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc nói trên.
Những vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội đã được giới chuyên gia “mổ xẻ” rất nhiều trong thời gian qua. Trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các DN bất động sản đều mong muốn tham gia việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Thế nhưng, để thu hút DN tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, DN không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp DN tiếp cận đất đai một cách dễ dàng" - ông Hà nêu quan điểm.
Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc giải bài toán thanh khoản cho thị trường bất động sản. Khi các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ được triển khai xây dựng, bán hàng đây sẽ là phân khúc có thanh khoản rất tốt.