Liên quan đến 68 trường hợp xây dựng trái phép ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, những trường hợp xây dựng trái phép nêu trên tồn tại 20 năm nay, không phải mới được phát hiện như thông tin đăng tải trên một số phương tiện truyền thông gần đây.
Đường Yết Kiêu, phường Thọ Quang, đang tồn tại hàng chục công trình trái phép trên đất rừng. Ảnh: Thanh Tùng.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết vào ngày 10/2, ông Võ Đình Công khẳng định chính xác hiện đang có 64 hộ nhận khoán đất rừng là chủ của 64 công trình xây dựng trái phép ở KBTTN Sơn Trà, chưa được tháo dỡ. Trong 68 công trình trái phép, đã có 4 công trình được địa phương xử lý.
Theo ông Võ Đình Công, công trình xây trái phép ở Sơn Trà có nguyên nhân khách quan qua các thời kỳ. Ngay từ năm 1997 khi bắt đầu được giao khoán đất rừng, các hộ dân đã xây công trình trái phép để mở quán cà phê và quán nhậu.
Từ đó đến nay, lãnh đạo địa phương nói riêng và lãnh đạo ban – ngành có trách nhiệm đã có nhiều thay đổi. Những người có trách nhiệm trong việc giao khoán đất rừng, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép kéo dài có người đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang cương vị công tác khác.
Mới đây, UBND phường Thọ Quang đã mời những người từng giữ cương vị lãnh đạo ở địa phương và cán bộ liên quan qua các thời kỳ đến họp, xác định trách nhiệm, kiểm điểm nghiêm túc việc để các hộ nhận khoán đất rừng trên địa bàn phường xây công trình trái phép.
Chấp hành chỉ đạo của UBND.TP và UBND quận Sơn Trà, từ cuối năm 2016, UBND phường Thọ Quang đã tổ chức họp với 64 hộ có công trình xây trái phép, động viên các hộ tự tháo dỡ.
Tại cuộc họp này, các hộ dân đề nghị được đối thoại với lãnh đạo UBND TP về các vấn đề liên quan đến công trình của họ xây trên đất rừng.
Trong khi chờ đợi quyết định của UBND quận và UBND TP, phường Thọ Quang đang vận động các hộ dân tháo dỡ công trình trái phép, trả lại mặt bằng.
Công trình trái phép ở Sơn Trà tập trung ở tuyến đường Lê Đức Thọ và đường Yết Kiêu thuộc địa bàn phường Thọ Quang.
Ngày 12/2 chúng tôi có mặt ở những nơi này và ghi nhận không có công trình trái phép nào được tháo dỡ.
Tại đường Lê Đức Thọ, các hộ dân xây nhà trên triền núi để kinh doanh cà phê. Hàng chục quán cà phê lưng chừng núi tối ngày 11/2 vẫn tấp nập khách.
Trên tuyến đường Yết Kiêu và con đường đi qua Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, hàng loạt quán nhậu vẫn mở cửa đón khách.
Dưới chân núi, dù có một số ngôi nhà trái phép đã “cổng đóng then cài” nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy những căn nhà cùng công trình phụ xây kiên cố nói trên sẽ dược tháo dỡ trả lại hiện trạng đất rừng theo chỉ đạo của quận Sơn Trà và TP. Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà có tổng diện tích tự nhiên 4.439 ha, được công nhận là KBTTN vào năm 1980. Việc giao khoán đất rừng ở KBTTN này cho các hộ gia đình căn cứ Nghị định 01 (ngày 4/1/1995) của Chính phủ nhằm mục đích bảo vệ, gìn giữ và phát triển rừng nhưng do cơ quan có trách nhiệm buông lỏng quản lý, các hộ nhận khoán đã tự ý xây dựng nhà cửa để kinh doanh cà phê và quán nhậu.
Một lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho biết, dù công trình xây trái phép ở KBTTN Sơn Trà liên quan đến tổ chức, cá nhân nào, là hậu quả để lại của ai, địa phương cũng kiên quyết xử lý theo quy định.
Hạn tháo dỡ cuối cùng cho các hộ gia đình có công trình xây trái phép là tháng 9 năm nay. Quá thời hạn này, quận Sơn Trà sẽ tổ chức cưỡng chế - vị lãnh đạo này nói.