Cuối năm 2020, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được khởi công. Ngay sau đó, các đơn vị liên quan đã nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực thi công. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, thiếu vật liệu san lấp, đến nay, tuyến cao tốc đã thành hình, các gói thầu đảm bảo tiến độ đề ra.
Tháng 1/2021, liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 khởi công gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây với chiều dài 16 km.
Sau đó, nhà thầu huy động 125 máy móc, thiết bị cùng nhiều lao động đồng loạt triển khai 15 mũi thi công. Ban đầu, thời tiết nắng nóng, việc làm đường thuận lợi. Tuy nhiên, quá trình thi công nhà thầu thiếu đất đắp nền đường vì các mỏ vật liệu quy hoạch phục vụ dự án chưa được cấp phép. Để khắc phục, nhà thầu phải mua vật liệu đắp nền với giá thành cao tại một mỏ cách xa dự án hơn 20 km.
Ngoài ra, trong hơn 2 tháng gần đây trời liên tục mưa, nền đất yếu nên việc lu nền đường gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị phải đề ra nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, quá trình làm đường, khi mưa thì việc lu đầm không thể thực hiện được. Do đó, thời điểm này nhà thầu đang tập trung nhân lực tiến hành đúc dầm, thi công thân trụ cầu và cống các loại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp phối đá dăm. Dự kiến, đến tháng 8/2021 sẽ hoàn thành cấp phối đá dăm hơn 7 km.
Gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây do liên danh nhà thầu Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Trung Chính đảm nhận, được khởi công vào tháng 10/2020. Nhiều tháng qua, nhà thầu huy động gần 400 nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức 22 mũi thi công, làm việc cả ngày lẫn đêm. Sau 9 tháng thi công, gói thầu đã hoàn thành đào hữu cơ và đang cấp phối đá dăm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên danh gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, trên tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây gói thầu số 3 là dài nhất, khối lượng công việc lớn nhất. Toàn bộ gói thầu có chiều dài hơn 35 km, 24 cầu, 16 cống hộp và 5 hầm chui. Thời gian qua, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hàng triệu m3 đất san lấp, thời tiết bất lợi. Để khắc phục, nhà thầu phải tận dụng tối đa khối lượng đất đào trên tuyến để đắp nền. Ngay từ tháng 5 vừa qua, nhà thầu huy động máy móc tập kết vật liệu về công trường để tiến hành cấp phối đá dăm trong mùa mưa.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là 1 trong 11 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông có chiều dài gần 100 km, đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, được khởi công cuối tháng 9/2020, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Dự án có 4 gói thầu với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến đường được xây dựng với 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/h. Trên toàn tuyến, các nhà thầu đang tổ chức khoảng 70 mũi thi công. Đến nay, cả bốn gói thầu đã hoàn thành hơn 10% khối lượng công việc – đảm bảo tiến độ đề ra.
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, khối lượng công việc của các nhà thầu trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là rất lớn. Ngoài gần 100 km đường, nhà thầu còn phải thi công có 65 cầu trên cao tốc và cầu vượt cùng hàng chục cống hộp, hầm chui. Dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, đặc biệt là thiếu vật liệu đất đắp nền đường, song các nhà thầu đã rất nỗ lực.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, Ban quản lý dự án Thăng Long đã cử người đại diện trực tiếp theo dõi, giám sát tại công trường. Mọi khối lượng, chất lượng vật liệu phục vụ dự án đều được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp phát hiện nhà thầu làm sai thiết kế, Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan làm lại.