Theo báo cáo của Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), đến 17h ngày 9/9, 49 người chết, 22 người mất tích do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra, trong đó do bão 12 người; sạt lở đất, lũ quét 53 người; do lũ cuốn 6 người.
Cụ thể, Cao Bằng 21 người (8 người chết, 13 người mất tích), trong đó chưa tính 16 người trên 1 xe khách bị cuốn trôi (trên xe có khoảng 20 người, đã tìm thấy 4 người chết).
Lào Cai 24 người chết và mất tích (18 người chết, 6 người mất tích), gồm: Bắc Hà 6 người, Sa Pa 6 người, Bát Xát 7 người, Si Ma Cai 4 người, Văn Bàn 1 người.
Quảng Ninh 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người). Hải Phòng 2 người chết do bão. Yên Bái 3 người chết. Hải Phòng, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang mỗi tỉnh có 2 người chết. Các địa phương Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Giang mỗi nơi 1 người chết.
Số người bị thương do bão lũ lên đến 732 người (Quảng Ninh 536, Hải Phòng 81, Hải Dương 5, Hà Nội 10, Bắc Giang 4, Bắc Ninh 7, Lạng Sơn 9, Lào Cai 9, Yên Bái 4, Cao Bằng 1, Phú Thọ 2, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 2).
Thiệt hại về kinh tế chưa thể thống kê hết, đến nay có 136.228 ha lúa và 26.252 ha hoa màu ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả hư hại; trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 125 con gia súc, 544.815 con gia cầm chết, 85 tàu thuyền các loại bị chìm; 46.548 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động gãy đổ; cây xanh đô thị bật gốc, gẫy đổ…
Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng do 12 đoạn đường dây 500 kV, 36 đường dây 220 kV, 161 đường dây 110 kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.
Liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), theo báo cáo của tỉnh tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện gặp nạn (gồm 1 xe tải, 2 xe đầu kéo, 6 xe máy, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; hiện đã cứu được 3 người bị thương và đưa đi cấp cứu.
Mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất tại Cao Bằng (H.Nguyên Bình), Lào Cai (TX.Sa Pa và các huyện Bát Xát, Si Ma Cai, Bắc Hà), Hòa Bình (H.Đà Bắc), Yên Bái (các huyện Văn Chấn, Lục Yên), Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang…
Lũ trên báo động 3 xuất hiện ở thượng lưu sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Thao (Lào Cai, Yên Bái), sông Thương (Lạng Sơn), sông Gâm (Tuyên Quang)... Trong đó, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái tương đương lũ lớn năm 2008.
Theo dự báo, từ chiều 9 - 11/9, miền núi, trung du Bắc bộ có mưa phổ biến 50 - 150 mm, có nơi trên 350 mm. Từ đêm 10 - 11.9, mưa 40 - 80 mm, có nơi trên 150 mm. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở mức cao.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu (Phú Thọ) và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng, Lào Cai…); đồng thời triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hạ du hệ thống sông Hồng.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh… Đối với khu vực miền núi phía bắc, tập trung sơ tán người dân tại khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.