Lịch sử là dòng chảy, truyền thống là hành trang, chặng đường cách mạng vẻ vang 77 năm qua của Đảng bộ tỉnh Yên Bái là niềm tự hào về những chiến công, những thành tích đã đạt được. Phát huy truyền thống yêu nước, vượt khó vươn lên của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, ra sức thi đua, học tập, lao động, sáng tạo, ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Đồng lòng, mạnh mẽ trong thời chiến
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Để đẩy mạnh phong trào cách mạng, ngày 7/5/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Thị xã Yên Bái gồm 3 đảng viên, trong đó đồng chí Mai Văn Ty được cử làm Bí thư.
Ngày 30/6/1945, tại chiến khu Vần - Hiền Lương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng.
Đảng bộ Yên Bái mới ra đời, số lượng đảng viên ít, song Đảng bộ đã thực hiện đúng đắn, sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Xứ ủy Bắc Kỳ, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngày một phát triển, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái.
Ngày 19/8/1945, trước sức mạnh áp đảo cả về chính trị và quân sự, quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngày 22/8/1945, tại Sân Căng (nay là sân vận động TP Yên Bái), chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua những ghềnh thác nguy hiểm.
Từ năm 1947, khi thực dân Pháp mở rộng phạm vi xâm lược, thôn tính tỉnh ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Yên Bái đã kiên trì thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Trong chiến dịch Tây Bắc (1952), cùng với bộ đội chủ lực, quân, dân tỉnh Yên Bái đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng quê hương khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp.
Ngay sau khi được giải phóng (tháng 10/1952), Yên Bái đã huy động gần 5 vạn lượt người, góp 3,6 triệu ngày công, cung cấp hơn 2.000 tấn lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo đảm tuyến đường từ Yên Bái sang Sơn La thông suốt... góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.
Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, cải tạo các tập tục lạc hậu, phát triển lực lượng sản xuất, thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ Yên Bái đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các phong trào “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”... Trong hai cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ, quân và dân Yên Bái đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay, tiêu diệt và bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích.
Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tỉnh Yên Bái đã đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm, gần 25.000 quân tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vững vàng vươn lên trong thời bình
Hơn 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh Yên Bái (tháng 10/1991) đến nay, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Yên Bái anh hùng, đồng tâm, hiệp lực, tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực phục vụ xây dựng và phát triển quê hương.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu và sự năng động, sáng tạo, đổi mới không ngừng, Yên Bái đã đạt được những thành tựu vượt bậc.
Kinh tế tăng trưởng khá theo hướng bền vững, gắn với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển giữa vùng thấp và vùng cao, giữa đô thị và nông thôn, giảm nghèo bền vững, là điểm sáng của khu vực Tây Bắc.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 4.300 tỷ đồng, vượt rất cao so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 58,11%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 4,76%, có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn tỉnh có 3 đơn vị được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố...
Công tác xây dựng Đảng, hết tháng 5/2022, Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 12 đảng bộ trực thuộc, 498 tổ chức cơ sở đảng, 2.730 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với gần 60.100 đảng viên. Chất lượng các chi, đảng bộ và đảng viên không ngừng được nâng lên.
Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược và trong sự nghiệp đổi mới của quân và dân Yên Bái, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”, hàng ngàn tập thể, cá nhân được nhận huân, huy chương và rất nhiều phần thưởng cao quý khác vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về tình hình kinh tế, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng năm 2022 ước tính tăng 7,57% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 6,90% của cùng kỳ và kịch bản tăng trưởng là 7,28%. Trong đó công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng mạnh 14,14%; nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định.
Sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, giá trị tăng thêm. Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,44%. Sản xuất công nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm tăng 14,14% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải tăng 11,49% so với cùng kỳ; tuy nhiên, vận tải hành khách và hàng hóa vẫn gặp nhiều áp lực do giá xăng dầu tăng.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt 7.024,1 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế. Thu cân đối ngân sách và chi đầu tư phát triển tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt tăng là 22,6% và 18,9%.
Tổng số lượt khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm là 703.844 lượt, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021 (743.536 lượt). Số lượt điều trị nội trú là 59.425 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2021 (65.600 lượt). Các chỉ số khác đa phần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức đón trên 45 đoàn với hơn 27.200 lượt khách. Mở cửa thường xuyên nhà trưng bày và tổ chức 5 cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề “Tết xưa và nay”; trưng bày trải nghiệm “Phong tục giã bánh dày dân tộc Mông ở Yên Bái”, đón và thu hút trên 30.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm (đạt 71,42% kế hoạch).