Tinh hoa Việt

79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Bài học lòng dân

CẨM THÚY 02/09/2024 12:15

Ngày 19/5/1941, tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Mặt trận Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành mạnh mẽ, trở thành một mốc son chói lọi với đỉnh cao là ngày Quốc khánh 2/9 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

nha_hat_lon-le-khanh12.jpg
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: lê Khánh.

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, thể hiện chủ trương cứu nước của Đảng: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Chương trình của Việt Minh được tóm tắt thành “Mười chính sách của Việt Minh” và phổ biến trong nhân dân. Đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc Thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Việt Minh triển khai công tác tuyên truyền mạnh mẽ. Uy tín của Việt Minh tăng lên và các tổ chức của Việt Minh phát triển rất nhanh. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với khoảng 5.000 đảng viên, cùng Mặt trận Việt Minh, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nói về tầm nhìn sáng suốt của các nhà lãnh tụ của Đảng khi quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 năm 1941, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, vai trò của Mặt trận Việt Minh vào thời điểm đó rất quan trọng. Thậm chí tháng 11/1945 để bảo đảm đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương còn rút vào bí mật, tuyên bố tự giải tán chỉ để công khai một Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chỉ một năm sau, khi kỷ niệm 1 năm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, nhà cách mạng Trường Chinh đã đặt vấn đề phải tổng kết lịch sử để tìm ra bài học. Tức là những người làm Cách mạng đã rất có ý thức tổng kết từ hiện thực lịch sử sớm nhận ra bài học để phát triển lâu dài.

Mặt trận Việt Minh là bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân vào một thời kỳ lịch sử cụ thể và vượt qua những thử thách rất lớn. Đoàn kết trên cơ sở một sự đồng thuận cao về lợi ích. Đó là cả dân tộc chỉ có một mục tiêu rõ ràng, một lợi ích rõ ràng: Giành độc lập dân tộc. Khi đã thống nhất được mục tiêu thì sẽ thống nhất được ý chí hành động.

Ngay khi Quốc dân Đại hội còn đang họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) để ra lệnh Tổng khởi nghĩa thì Hà Nội chưa nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương đã khởi nghĩa rồi. Những nhà lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội nói rằng họ quán triệt tinh thần của Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cho nên kể cả ở Sài Gòn khoảng cách xa như thế nhưng theo Hồi ức của cụ Trần Văn Giàu thì chưa nhận được lệnh nhưng hành xử và hành động hết sức là thống nhất với nhau. Thậm chí có chi tiết trong Nam không nhận được bài "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chủ tịch qua làn sóng điện. Khi ông Trần Văn Giàu buộc lòng phải lên diễn thuyết thì sau đó, điều quan trọng nhất, rất mừng là sau này khi nhận được "Tuyên ngôn độc lập" thấy nội dung căn bản là thống nhất. Như vậy, có thể thấy ý chí thống nhất là rất quan trọng. Ý chí có được không chỉ ở góc độ tổ chức mà ở chỗ thống nhất mục tiêu vì độc lập dân tộc rất sáng tỏ.

Bài học từ Cách mạng Tháng Tám cho thấy khi đặt lợi ích dân tộc lên cao thì chúng ta tìm được sức mạnh. Vấn đề cơ bản là phải tìm được tiếng nói đồng thuận với nhân dân. “Việc Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào bí mật tuyên bố tự giải tán – một Đảng được hình thành trong môi trường rất là khắc nghiệt, bao nhiêu người hy sinh mới xác lập được vị trí ấy - thế mà sẵn sàng tuyên bố tự giải tán (cho dù chỉ là hình thức) để hợp lòng dân, là để tìm một sự đoàn kết rộng lớn hơn.” – ông Dương Trung Quốc đánh giá.

Nhờ đại đoàn kết dân tộc mà hồi đó rất nhiều Bộ trưởng sẵn sàng từ bỏ vị trí của mình để giao cho những nhân vật khác, để mở rộng khối đại đoàn kết trong Chính phủ. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “Ngay kể cả đối với một số đảng phái đối lập thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng sách lược là mời vào tham gia Quốc hội để dùng thực tiễn và sức mạnh của toàn dân trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển cách mạng, loại trừ những phần tử cơ hội, thu hút những người mà còn có thể có sự dao động. Tôi cho đấy là bài học rất lớn để tìm cách thuyết phục người dân vì lợi ích quốc gia và hy sinh cả chính quyền lợi của tổ chức”.

Chủ trương Tổng khởi nghĩa đã có, nhưng có thành công hay không là nhìn vào tâm thế nhân dân, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Phát xít Nhật đầu hàng cái đó ai cũng biết, nhưng người dân đã sẵn sàng cho khởi nghĩa chưa? Nếu chúng ta đọc hồi ký của các nhà cách mạng thì một trong những băn khoăn lớn nhất của các nhà lãnh đạo thời ấy là phát động khởi nghĩa có thành khởi nghĩa non hay không? Có thất bại hay không? Vì trước đó đã có nhiều bài học rồi. Từ bài học của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến những bài học của những nhà cách mạng khác. Nhưng cái thước đo để những nhà lãnh đạo của Hà Nội quyết định khởi nghĩa là nghe được tiếng nói của người dân. Quyết định để Hà Nội khởi nghĩa trước khi nhận được lệnh của Trung ương chính là nắm bắt được nguyện vọng của người dân. Cho nên chỉ sau một cuộc biểu tình 17-8 mà danh nghĩa là để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, khi đã thấy được lòng người, khi bài Tiến quân ca được hát lên, khi lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống… Khi người lãnh đạo thấy được người dân đồng thuận với những nhân tố ấy thì chỉ 2 ngày sau Khởi nghĩa đã nổ ra, rất hòa bình”.

Khi nghe tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền thì Quốc dân Đại hội vẫn còn đang họp, đạo quân Nam tiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đang ở Thái Nguyên thì Hà Nội đã khởi nghĩa rồi. Trong hồi ức các nhà cách mạng còn viết rõ, khi báo cáo với Cụ Hồ là Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền xong, lúc ấy đang ốm, thì Cụ nói rất đơn giản: Thế thì về Hà Nội thôi. Và các hồi ức đều kể là tất cả mọi người đang ở Tân Trào đều kéo về Hà Nội, bằng mọi phương tiện. Lúc ấy đang có một trận lụt rất lớn, đê sông Thao bị vỡ. Cảm xúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi viết trong hồi ký là đến đâu còn chỗ đất nào nhô lên khỏi mặt nước được là chỗ ấy có lá cờ đỏ sao vàng.

Như vậy, bài học quan trọng nhất ở đây là đủ năng lực nắm bắt được cơ hội. Bởi vì chỉ làm muộn chút nữa thì quân Đồng minh vào rồi – ông Dương Trung Quốc phân tích: Ngay cả việc tổ chức ngày Độc lập, chọn ngày 2-9 chủ nhật ấy là bởi không thể lùi được nữa. Ngày 3-9 là các đạo quân đầu tiên của quốc dân Đảng Trung Hoa thuộc phe Đồng minh đã vào để giải giáp quân Phát xít, tình hình sẽ rất phức tạp.

Nói về Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, theo Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kết nối đồng minh với Mỹ thực ra tác động trực tiếp có được bao nhiêu, nhưng quan trọng nhất là nhờ tầm nhìn sáng suốt rằng Đồng minh sẽ chiến thắng Phát xít thì bằng cách hành xử ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn đặt Cách mạng Việt Nam trong cuộc chiến giữa các lực lượng dân chủ Đồng minh chống chủ nghĩa Phát xít nên khi Phát xít sụp đổ thì Việt Minh đương nhiên là lực lượng Đồng Minh, lực lượng chiến thắng, có tư cách pháp nhân để xác lập nền độc lập của mình.”

79 năm đã trôi qua, bài học lịch sử từ mùa thu Cách mạng đang chuyển tới hôm nay nhiều thông điệp, đó là những bài học về lòng dân, về đại đoàn kết dân tộc, về tầm nhìn, về thời cơ và quan trọng là tâm thế nhân dân. Khi đã thấy được lòng dân ủng hộ, Cách mạng đã nhất định thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Bài học lòng dân