80 năm ‘Ngục trung nhật ký'

GS PHONG LÊ 29/01/2023 07:18

Năm 2023, chẵn 80 năm về trước, năm 1943 - Bác Hồ viết “Ngục trung nhật ký” với 135 bài thơ chữ Hán nói về cuộc hành trình gian khổ gần 14 tháng trời, từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 trên phần đất Quảng Tây - Trung Quốc.

Mùa xuân Tân Tỵ - mồng 2 Tết, tức 28/1/1941,sau 30 năm xa xứ, Nguyễn Ái Quốc - trong vai một ông Ké người Nùng mới có thể đặt chân lên địa đầu biên giới phía Bắc - hang Pác Bó, Cao Bằng. Điều dễ hiểu, cảm xúc thơ đến với tác giả trước hết là cảm xúc về non xanh, nước biếc quê nhà. Phải nói cảm xúc đó là nồng nàn, nên tác giả mới nhanh chóng có được, sau bao năm không làm thơ, hai bài về Pác Bó; bài thứ nhất về cảnh, qua cảm nhận của người:

Non xa xa, nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Và bài thứ hai, về người trong cảnh:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Cùng sau đó ít lâu là bài thơ chữ Hán đầu tiên, bài “Thượng sơn” (Lên núi) khi cơ quan rời về Lũng Dẻ. Ấy là những bài hiếm hoi ghi nhận được cái phong thái ung dung của tác giả sau 30 năm xa xứ.

Biết bao việc trọng đại của đất nước, của cách mạng đã dồn đến, đang chờ đợi. Chuẩn bị và tiến hành Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương. Thành lập Mặt trận Việt Minh. Xây dựng khu căn cứ và lực lượng vũ trang. Chuẩn bị khởi nghĩa từng phần, để tiến tới Tổng khởi nghĩa… Trong khung cảnh đó, nhân dân cả nước đón “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Nguyễn Ái Quốc, ngày 6/6/1941 như một hiệu lệnh xuất quân.

Trên vị trí Tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng cách mạng của dân tộc, nhằm xốc tới cao trào Tổng khởi nghĩa, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí tiếng nói. Nhưng tiếng nói đó vào lúc này là ở thư: “Kính cáo đồng bào”; sách “Cách đánh du kích”, “Phép dùng binh”, “Cách huấn luyện cho quân đội”; là ở những trang dịch “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô”, cùng diễn ca “Lịch sử nước ta” 208 câu. Đồng thời cũng phải đến lúc này, thơ lại đến với tác giả như một phương tiện hiệu quả để chuyên chở nội dung cách mạng.

Thế mà giữa lúc công việc cách mạng đang hết sức bề bộn, khẩn trương, và niềm tâm nguyện viết cho đồng bào vừa mới thực hiện và có hiệu quả, thì Bác bị bắt trong một chuyến công tác sang Quảng Tây. Rồi cuộc hành trình gian khổ gần 14 tháng trời, từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 trên phần đất Quảng Tây - Trung Quốc đã là hoàn cảnh cho ra đời “Ngục trung nhật ký”.

Vậy là có một hoàn cảnh khách quan và chủ quan rất đáng chú ý đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc - lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh, làm thơ; gồm trên mấy chục bài thơ và diễn ca bằng tiếng Việt viết cho đồng bào và trên 135 bài thơ chữ Hán dường như chủ yếu viết cho mình.

Dễ nhận rõ một điều không bình thường. Đó là cái hoàn cảnh “đòi” Hồ Chí Minh phải có thơ, hoặc gợi được thi hứng nơi con người thơ của Hồ Chí Minh lại là một hoàn cảnh thật sự căng thẳng và khắc nghiệt, không “thơ” một chút nào. Có thể nói, đó là những năm tháng Bác phải sống gian khổ, và nguy hiểm nhất. Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh đó, chính vào lúc cực khổ nhất về vật chất, và căng thẳng nhất về tinh thần, Hồ Chí Minh lại có thơ. Vậy tình huống gì đã xảy ra ở đây? Hai phương diện có thể xét đến, như là nguyên cớ trực tiếp để hiểu hoàn cảnh thơ đã đến với tác giả vào lúc này. Trước hết, đây chính là lúc nhà cách mạng và nhà thơ Nguyễn Ái Quốc đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với quần chúng, với đồng bào.

Và ở một phương diện khác, khi mạch thơ đang tuôn chảy ấy bị ngắt quãng vì cảnh tù đày, khi sự cách bức với công chúng cụ thể khiến tác giả không có hoàn cảnh và không còn được tự do trò chuyện… thì một tình thế thơ khác đã xuất hiện. Một tình thế “kép”: Vừa phải “đối phó” hết sức khôn khéo với một ngoại cảnh cực kỳ nguy hiểm, vừa phải “thỏa mãn” nhu cầu phô diễn chân thực những trạng huống mới của cảm xúc, và đối thoại với chính mình.

Sự chọn lựa chữ Hán, cùng thể thơ cổ, khiến cho ta nghĩ hẳn chắc tác giả không nhằm viết cho một công chúng cụ thể nào. Đó là điều khác trước, và cũng có thể xem là một “ngoại lệ” trong đời viết của Hồ Chí Minh. Không nhằm vào một công chúng cụ thể, không có nghĩa là thơ Hồ Chí Minh không gắn vào một bối cảnh đặc biệt của thời cuộc.

Nếu đối với bản thân tác giả - người tù, đây là lúc mọi nỗi gian truân, hiểm nguy cùng lúc dồn đến, nó là phần hiện thực không thể không thẩm thấu, không lưu lại trong dạng nhật ký – thơ, thì đối với đất nước, đây lại là lúc tình hình đang chuyển biến từng ngày để hướng vào cao trào cách mạng; để nhanh chóng giành đoạt thời cơ khởi nghĩa, mà tác giả từng tiên đoán trong phần cuối diễn ca “Lịch sử nước ta” viết năm 1942.

Chính thời cơ cách mạng đang nhen nhóm, đang trở thành hiện thực, vốn là kết quả của cả một khoa học tuyên truyền, vận động, tổ chức cách mạng hết sức vĩ đại mà Đảng đã tiến hành, hẳn là nền cảnh, là niềm thôi thúc góp phần quan trọng giúp ta cắt nghĩa nguồn thơ lớn của “Nhật ký trong tù”.

Người tù, tác giả của 135 bài thơ ra đời trong khoảng thời gian và không gian chật hẹp kia, là người đã góp công lớn nhất, đã dành trọn 30 năm để tìm kiếm và nắm bắt tình thế cách mạng đang sáng bừng lên ở chân trời quê hương.

Người tù, người đang phải chịu mọi sự đày ải, người đang trải những tâm trạng bực bội, bất lực, buồn thương, xót xa, cay cực, và có lúc bi thảm nữa, cũng là người đang tỏa rộng lòng mình để đón nhận mọi tín hiệu đến từ phía ánh sáng của ngày mới; và do vậy, sao không hứng khởi, lạc quan, tràn đầy một niềm sinh thú trước viễn cảnh của việc trồng cây sắp đến ngày hái quả.

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng

Hoặc:

Trong ngục giờ đây còn tối mịt

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.

Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, tình huống vào tù lúc này không phải là sự bó tay mà chỉ là một sự chuyển đổi môi trường hành động. Vẫn người cách mạng, nhưng hoàn cảnh đã thay đổi. Nhưng trong sự thay đổi của hoàn cảnh, con người cách mạng, con người của ý thức, nghị lực và niềm tin, con người hướng về hành động, vẫn là một dấu hiệu nhất quán.

Khỏi phải nói lại tất cả sự đày đọa mà chế độ nhà tù Tưởng đã dồn cho người tù, ấy thế mà trong hoàn cảnh đó Hồ Chí Minh vẫn làm thơ, và có thơ. Hẳn hiếm có tập thơ nào nói được nhiều sự thật đến thế. Sự thật về một trạng huống xã hội. Và sự thật về nỗi đày đọa cho một con người.

Nhưng dường như sự thật đó không phải là mục tiêu mà tập thơ muốn gợi, và tác giả muốn khai thác cho cặn kẽ. Nói cách khác, chất nhật ký không lấn át nổi chất thơ. Phần sâu đậm vẫn là toát ra từ một thế giới khác. Sau cận cảnh: Bị trói chân tay; hoặc: Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình là bối cảnh: Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng và: Làng xóm ven sông đông đúc thế/Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.

Một thế đối xứng thơ quen thuộc như vậy có thể tìm thấy ở nhiều bài trong “Nhật ký trong tù”. Cuộc sống tù đày nếu đã từng là môi trường cho ra đời những khúc tự tình bi phẫn, những lời cảm thương cho thân phận, thì cũng đâu dễ ngăn cản được những vần thơ chất chứa cảm xúc, suy tư về hành động và tương lai, về khát vọng gắn nối với nhân dân và cuộc sống.

Tôi không muốn nói khía cạnh lãng mạn và lạc quan cách mạng của nội dung, toát lên từ sự tương phản như trên, có ở rất nhiều bài thơ mà ai cũng rõ. Tôi muốn nói: Một hoàn cảnh sống giày vò, đày đọa con người như Bác phải chịu đựng, vẫn không cản Bác làm thơ. Và đó chính là sự biểu hiện của ý chí tự do, của sức mạnh tinh thần, của khả năng làm chủ ngoại cảnh và làm chủ bản thân cực kỳ mạnh mẽ nơi Bác. Bác làm thơ, vì đó là điều mà hoàn cảnh tù, dẫu tàn bạo đến đâu, cũng không ngăn cản Bác được; và vì ở vào hoàn cảnh tù, người tù không có thể làm gì khác được ngoài làm thơ.

Có cần nói thêm: Trong hình thức nhật ký - thơ, thì nội dung nhật ký, ghi việc hàng ngày, là điều không khó lắm. Nhưng cho nó một hình thức thơ, và tạo được chất thơ thực sự cho nó, trong một hoàn cảnh như của tác giả - có khác với nhiều chí sĩ yêu nước trước đây - thì quả là điều không dễ.

Với “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh đã để lại cho di sản thơ ca cách mạng và thơ ca dân tộc Việt một tác phẩm vô giá trên hành trình của một con người là hiện thân tuyệt vời của những phẩm chất cao quý nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    80 năm ‘Ngục trung nhật ký'