Sáng 18/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 – 1975. BTC đã lựa chọn và trao 3 giải A, 13 giải B, 26 giải C và tặng thưởng cho 38 tác phẩm.
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học
Nghệ thuật VN trao giải cho các tác giả.
Đây là kết quả của việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án khuyến khích sáng tác và công bố tác phẩm Văn học nghệ thuật có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 - 1975” (tháng 1/2013).
Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ VHTT&DL tổ chức phát động cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 – 1975. Cuộc thi đã được chia làm 2 đợt gồm: đợt 1 với sự tham gia của Hội Điện ảnh VN, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Hội Nghệ sĩ Múa VN; đợt 2 gồm Hội Nhà văn VN, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, Hội VHNT các Dân tộc thiểu số VN, Hội Nhạc sĩ VN.
Sau hơn 1 năm tổ chức phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của văn nghệ sĩ là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và hội viên các Hội Văn học nghệ thuật địa phương.
Đánh giá về các tác phẩm dự thi, nhà văn Đỗ Kim Cuông - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật VN cho biết: Chất lượng nội dung các tác phẩm dự thi thực sự thuyết phục người đọc. Đặc biệt các tác phẩm hồi ký có nhiều tác phẩm có giá trị ghi lại chân xác các sự kiện lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Nhiều tài liệu lần đầu công bố, có giá trị lịch sử.
Theo đó, trải qua các vòng thi sơ loại và chung khảo, BGK cuộc thi đã lựa 3 tác phẩm để trao giải A gồm Tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của nhà văn Trầm Hương; Kịch “Nhiệm vụ không hoàn thành” tác giải Xuân Đức; Kịch múa “Khoảng khắc bất tử” (kịch bản: Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tổng đạo diễn: NSND Phạm Anh Phương), 13 giải B, 26 giải C và tặng thưởng cho 38 tác phẩm.
Dẫu vậy, kết quả vừa công bố cũng đã phản ánh sự thiếu vắng sự tham gia của các cây viết trẻ. Bên cạnh giải A, ở các giải thưởng khác vẫn là những cái tên quen thuộc. Đó là, nhà văn Chu Lai với kịch bản phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ”; nhà thơ Trần Anh Thái với Trường ca “Bão không đến từ biển”; NSND Ứng Duy Thịnh với kịch bản múa “Thả người trên sông”…
Cũng theo nhà văn Đỗ Kim Cuông: “Do thời gian tổ chức cuộc thi ngắn (1 năm rưỡi), thông tin chưa đến được với các hội viên ở vùng sâu, vùng xa nên số lượng tác phẩm chưa nhiều. Viết các tác phẩm lớn như trường ca, tiểu thuyết, hồi ký (văn học), giao hưởng (âm nhạc), các tác phẩm sơn dầu, sơn mài khổ lớn (mỹ thuật), kịch bản sân khấu, điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến đòi hỏi phải có thời gian từ 2 đến 3 năm, phải là những tác giả có vốn sống phong phú… nên nhiều tác phẩm chưa thật sự được đầu tư sâu”.