Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là mốc son chói lọi trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta. 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước; đạt được những thành tựu quan trọng trong dựng xây đất nước.
1. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trước khi Đảng ta thành lập, dân ta sống trong gông cùm áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3/1919 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trở thành ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lúc bấy giờ, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Tính chất của xã hội Việt Nam là xã hội thuộc địa nửa phong kiến đặt ra yêu cầu: Phải đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; Xoá bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân, ruộng đất cho nông dân. Trong đó, chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu.
Các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Phong trào Cần Vương - phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1896). Sang đầu thế kỷ XX, phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước do các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại…
Nguyên nhân chính là do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đều không thành công. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Chính lúc này, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời như một nhu cầu tất yếu của lịch sử, để dẫn dắt dân tộc làm cuộc cách mạng long trời lở đất giành độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi, đem đến hạnh phúc cho nhân dân.
Từ năm 1921 đến năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người nhấn mạnh: Cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng chân chính lãnh đạo; Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là hệ tư tưởng Mác-Lênin. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là sự kiện đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Kể từ đó, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước ngày một hùng cường.
Đất nước trọn niềm vui.
2. Năm nay, kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, càng thấy vai trò hết sức to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước trong suốt gần 1 thế kỷ qua.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đảng liên hệ mật thiết, máu thịt với nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Cũng chính vì thế nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và công cuộc đổi mới đất nước.
Những năm qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh cũng chính là để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho thấy Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn, luôn quan tâm chăm lo tới việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đó cũng là quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Thành công bước đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã tạo nên luồng sinh khí mới trong toàn xã hội. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến đấu chống giặc nội xâm; xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường Chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
90 năm, gần một thế kỷ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Chúng ta tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tiếp tục giành những thắng lợi mới trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.