Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại, trong đó khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung 9 ca và Tây Nguyên 15 ca.
Gần đây nhất, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận nam bệnh nhân 27 tuổi (ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng co giật, hoảng loạn, tiên lượng xấu.
Người nhà cho biết, bệnh nhân bị một con chó cắn khoảng 1 năm trước nhưng không đi tiêm phòng bệnh dại. Con chó cắn bệnh nhân là chó lạ. Ngày 25/9 vừa qua, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau cơ, co giật, sau đó đến bệnh viện khám và nhập viện. Thời điểm nhập viện bác sĩ tiên lượng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ở mức độ xấu.
Trước đó, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cũng cho biết, đã tiếp nhận 2 trường hợp trẻ mắc bệnh dại. Đó là bé trai 8 tuổi (ở Gia Lai) và bé trai 13 tuổi (ở Đắk Nông), 2 bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch nên đã được theo dõi điều trị tích cực. Người nhà 2 bệnh nhi cho hay, các bé đều tiếp xúc với chó trước khi mắc bệnh.
Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi, với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: Vài năm trở lại đây, bệnh dại tăng đột biến và là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Trung bình 70 người chết mỗi năm vì bệnh dại, dù đã có vaccine cho cả người và động vật. Bệnh dại không những gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe mà còn để lại gánh nặng về kinh tế, xã hội. Cùng với con số tử vong, hàng năm có trung bình khoảng 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, phí tổn ước tính khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm.
Đáng lo ngại, theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), cả nước có đến 90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng dại. Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh chủ quan vì chó nhà nuôi cắn hoặc tại thời điểm bị cắn, chó vẫn bình thường. Bên cạnh đó, vẫn rải rác nhiều trường hợp dùng thuốc nam để chữa chó dại cắn. Đáng nói, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại thấp nhất và tỷ lệ tử vong chiếm cao nhất.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; phải rọ mõm chó, mèo khi cho ra đường. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Thực hiện diệt ngay chó và các động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch. Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào làm tổn thương da hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó, mèo cắn. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân thử thuốc, khám chữa bệnh dại bằng thuốc nam khi chưa được y học công nhận.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, hầu hết những trường hợp tử vong vì bệnh dại là do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn. Khi virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%.