A đây rồi… Trần Chiến

HOÀNG THU PHỐ 08/12/2021 09:00

Bẵng đi dễ cả hai năm nay tôi không gặp Trần Chiến. Mới rồi, thấy tivi đưa hình ảnh ông lên bục nhận giải “quán quân” ở một cuộc thi truyện ngắn. Nghe nói, giải cũng to to, đâu những 50 triệu đồng. 50 triệu, với lĩnh vực khác có thể không to tát gì, nhưng với văn chương, mà cụ tỉ chỉ là với một truyện dưới 10.000 từ, thì rõ là không nhỏ rồi.

Nhà văn Trần Chiến. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

1. “Giải to vỡ đầu…”, qua điện thoại nhà văn Trần Chiến nói với tôi, rồi cười hóm hỉnh. Như mọi bận, Trần Chiến vẫn dí dỏm thế, dù cái nói của ông thì rủ rỉ, chầm chậm.

Trần Chiến thừa nhận, trong đời viết của mình, đây là cái giải có giá trị tiền mặt lớn nhất. Nhưng to hay nhỏ, với người như Trần Chiến, vẻ như chẳng mấy quan trọng. Người như ông, viết được ra cái mình ấp ủ, nghĩ suy, là thích. Thích nữa, viết về nông thôn, nông dân Trần Chiến tự nhận, đó là sở đoản của mình. Bởi lâu nay, người ta đã biết đã rõ về một Trần Chiến với những tiểu thuyết, truyện ngắn về đề tài thành thị, nhất là về Hà Nội, mà phải là một Hà Nội trung lưu trở lên. Những “Đèn vàng”, “Cậu ấm”, “Chín bỏ làm mười”, “Bốn chín chưa qua”… đã định vị một Trần Chiến đâu ra đấy cả rồi. Thế thì lần này, với truyện ngắn “Con chú con bác”, viết về đề tài nông thôn, trái tay mà vẫn được giải, Trần Chiến vui, thậm chí có chút bất ngờ.

Mà cũng bất ngờ thật, bởi ông đến với cuộc thi truyện ngắn ấy cũng tình cờ. Rồi khi cuộc thi vào đoạn cuối, ông mới thấy mình cần phải viết ra. Khi đó, nhiều nhà văn tên tuổi khác cũng đã gửi tác phẩm dự thi rồi. Nhưng Trần Chiến quan niệm, “ai cũng có cái nông thôn ở trong người”. Thế là ông viết. Viết hẳn 4 truyện, trong đó 3 cái làm với tâm thế “hưởng ứng”. Riêng với “Con chú con bác”, Trần Chiến bảo, là cái dốc vốn, hết gan ruột ra. Vì viết cho mình là chính, nên có bao nhiêu tình huống, chi tiết, ý tứ dồn nén, ông đều đưa vào truyện. Một kiểu truyện không cốt chuyện.

Trần Chiến viết đoạn mở đầu: “Ông Dư sắp lễ thật cẩn thận, ban nào ban nấy đủ hoa quả, vàng mã. Mấy thôi đường, xe khách rồi xe ôm, may bánh cốm “quà đặc Hà Nội” vẫn vuông vắn. Trong khung kính nhìn xuống, các đấng sinh thành mỗi người mỗi vẻ. Cụ chánh Bột hom hem, soi mói, ông lý Mật tròn trĩnh, tươi như tay bán phở đầu phố, hàng dưới ba con trai. Cô Tươi “nữ nhân” thờ bên nhà chồng. Định thắp hương thì ông Lãm “hượm uống nước đã”, giọng trầm trọng…”

Biết điểm yếu của mình, không đủ sức để dùng giọng kể của người quê, nên Trần Chiến vẫn dùng ngôi thứ 3 để kể, giống như hồi viết tiểu thuyết “Cậu ấm”. Tiếp cận nông thôn qua cách nhìn của người phố để kể chuyện này có lẽ là cách lựa chọn khôn ngoan của Trần Chiến. Để ông vẫn ra ông. Cứ thế, chữ gọi chữ. Mà chữ của Trần Chiến, cũng giống như con người ông, khác kiểu khác người.

Nhà văn Trần Đức Tiến từng nhận xét về Trần Chiến: “Y không viết văn. Văn viết y. Nhiều kẻ viết văn toàn thấy chữ. Y vài chữ thấy người”. Đó là một nhận xét tinh tế, đúng và trúng về Trần Chiến. Tôi nghĩ vậy.

2. Trần Chiến sinh ra ở Vĩnh Phúc, một vùng đồng rừng, đến khi hơn 3 tuổi thì được về Hà Nội. Ông lớn lên giữa khu phố cổ. Chứng kiến nhiều câu chuyện về thành thị, ngẫm nghĩ kỹ về thân phận người trí thức, trong đó có người cha là nhà sử học Trần Huy Liệu, Trần Chiến theo dõi và quan sát những đứt gãy văn hóa giữa nông thôn và thành thị để định hình cái viết của mình.

Ông quan niệm, Hà Nội là “mỏ vàng” vô tận. “Trầm tích bao nhiêu tầng “quặng” để mà khai quật, nung nấu, chế biến, vấn đề là mình có khai lên “vàng” không. Nhưng nghĩ thế thì chả viết được, thành thử mình từ tốn làm đúng tạng mình thôi. Chẳng hạn kể, tả, khen ngợi người Hà Nội thanh lịch thì bao nhiêu người đã làm và làm hay, mình phải đưa được cái chủ quan gì mới vào nhìn những cái đó mới khang khác được chăng…”, nhà văn bày tỏ.

Từ điểm nhìn ấy, Trần Chiến viết “Cậu ấm” kể về một gia tộc tầng lớp trên, ông bố từ quê ra làm nên, gia sản ngút trời, nghĩa là “ăn mặn” hay sao đó. Đời con vào cách mạng hồ hởi, bỗng nhiên rơi vào đủ thăng trầm, cuối cùng sống và mọc mũi sủi tăm được nhờ tài nấu ăn. Quan hệ nấu nướng - thưởng thức là một câu chuyện văn hóa.

Đến tiểu thuyết “Chín bỏ làm mười” vẫn thế, nhưng ở giai đoạn sau hòa bình, với những thị dân và thị dân mới, điều thường diễn ra trong lịch sử đô thị. Hiếu “cơm” chẳng hạn, không chịu bỏ nếp nhà “trót dậy con cái nấu ăn ngon và thích mặc đẹp”, tương phản với mơ ước thực tế của ông trung nông.

Ông nói: “Với tôi, Hà Nội luôn có hai dòng chảy song song tồn tại: thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị. Câu chuyện này tôi đã viết trong sách “A đây rồi Hà Nội 7 món”, khen và chê đều… dậy mùi”.

3. Thủng thẳng viết, cố gắng tránh nơi ồn ào, thờ ơ với các cuộc tranh luận, Trần Chiến dọn cho mình một lối sống. Hỏi ông có sốt ruột khi mà nhiều nhà văn đều đặn ra sách, còn ông vài ba, thậm chí dăm năm mới có đầu sách mới, Trần Chiến đáp: “Tôi chả sốt ruột gì, cũng không sợ ai đó quên mình. Người viết có nhiều tạng khác nhau, tôi đã thử học cụ Tô Hoài “cứ ngồi vào bàn rồi tự chữ nghĩa nó bò ra”, nhưng không xong”.

Nói rồi Trần Chiến lại dí dỏm cười. Với ông, người viết cần nghỉ để nạp năng lượng, và nuôi dưỡng cảm xúc. Việc đó rất cần, nó không phải như nạp kiến thức, tập thể dục tích lũy sức khỏe, mà giúp mình có hơi văn khỏe khoắn khi làm tiếp.

Lại hỏi: Vào những ngày tháng này, văn chương đối với ông có ý nghĩa như thế nào?, Trần Chiến lại thủng thẳng: Trước hết nó là ông thần giết thời gian. Làm báo mấy chục năm, sáng ra nhận lệnh “1.000 chữ cho ngày sinh đẻ có kế hoạch”, giờ nghỉ hưu không ai gây áp lực, phải biết cách sống cho mình, với mình. Lao động trí óc cũng như thể dục trí não. Đôi khi nhìn mấy nhà văn già rách giời rơi xuống một thời bị “bay chữ”, tệ hơn là lẫn, mình thấy lo, đến lúc cũng thế… Nói đơn giản, tôi thích viết văn và đang được “thực hành” nó. Thích thì không ngại lao động. Còn chuyện nó “thiêng liêng” đến đâu thì nhiều người đã nói.

Với Trần Chiến, giờ đây việc viết là quan trọng nhất. Ngay cả nhiều người rủ kết bạn trên “phây” ông ngần ngại, sợ mất tập trung. “Tôi làm việc không nhanh, cứ nhẩn nha. Hàng ngày đọc, viết, đi bơi…, thấy mình sống cân bằng, cũng là một cách tận hưởng. Và khi sách ra, có khen chê thì gắng thoát khỏi tâm lý mày dám không yêu con tao á”, Trần Chiến nói, rồi lại hóm hỉnh cười. Bỏ kệ ngoài kia những danh xưng mỹ miều, những xưng tụng hoa mỹ. Thậm chí, ông cũng không biết mình có phải là người viết chuyên nghiệp hay không…

Trần Chiến cứ sống và cứ viết theo cách của ông. Thủng thẳng và dí dỏm…

Nhà văn Trần Chiến sinh năm 1950, là con của nhà sử học Trần Huy Liệu, cháu của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, đều là hai tên tuổi lẫy lừng trong giới trí thức Việt Nam.

Trần Chiến là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn chương của cha. Trần Chiến từng trải qua quân ngũ, làm biên tập viên tại nhà xuất bản, rồi trở thành nhà báo.

Ông từng xuất bản các tập truyện ngắn như “Con bụi”, “Đường đua”, và các tiểu thuyết: “Bốn chín chưa qua”, “Đèn vàng”, “Cậu ấm”, gần đây là cuốn “A đây rồi Hà Nội 7 món”. Đây có thể coi là cuốn tạp văn của Trần Chiến dù trên bìa không ghi thể loại. Cuốn sách tập hợp 24 bài dài ngắn khác nhau (Ngõ nhỏ phố nhỏ, Nhịp đập phố cũ, Hà thành ẩm thực, Chợ cóc, Ðô thị tự phát, Nặng nhẹ miếng ăn...) được tác giả viết trong nhiều thời điểm, với nhiều tâm trạng lẫn cảm xúc.

Tập truyện ngắn “Con bụi” và tập tiểu thuyết “Đèn vàng” của ông đã hai lần giành giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.

Nhà văn Trần Chiến từng được trao giải Tác phẩm tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 với 2 tác phẩm “Cậu ấm” và “A đây rồi Hà Nội 7 món”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    A đây rồi… Trần Chiến