Thời gian qua, lãnh đạo sở y tế một số địa phương, bệnh viện liên tiếp bị cơ quan công an “sờ gáy” khiến dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng. Cũng phải thôi, khi mà những người được coi là “lương y” lại trở thành những con sâu đục khoét, như những con virus âm thầm lây lan căn bệnh tham nhũng, làm sao có thể không lo lắng đây?
Vừa cách đây hai ngày thôi, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Kim An về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị can này từng giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La và được bổ nhiệm Giám đốc từ tháng 3/2019. CQĐT xác định, bị can An đã thiếu trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước.
Trước đó một tháng, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La Sa Văn Khuyên và hàng loạt thuộc cấp tại Sở Y tế Sơn La cũng đã bị bắt do vi phạm trong thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Nhiều danh mục hàng hóa, thiết bị y tế không đúng như trong hồ sơ và hợp đồng đã ký, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách của Nhà nước.
Những người từng là lãnh đạo Sở Y tế Sơn La không phải là những trường hợp đầu tiên bị bắt vì phạm tội trong khi thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Cách đây chưa lâu, đương kim Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Cao Minh Chu và tiền nhiệm cũng đã bị khởi tố vì đục khoét tài sản nhà nước từ các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Và cũng chỉ cách đây 3 tháng, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù vì đã nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR. Lúc bị khởi tố, bắt giam, bị án này đang giữ chức vụ Giám đốc CDC Hà Nội, có thể tự tung tự tác, vô tư rút tiền ngân sách đút túi.
Chưa hết, còn hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cũng đã bị cơ quan CSĐT Bộ Công an “hỏi thăm sức khỏe”. Số người này đã thông đồng, cấu kết với các đối tượng ở ngoài để nâng giá các thiết bị y tế trục lợi, móc tiền từ túi bệnh nhân. Hành vi của họ khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc, bất bình.
Mới kể sơ sơ đã có đến hàng chục lãnh đạo ngành y tế địa phương và lãnh đạo các bệnh viện phải xộ khám vì hành vi bòn rút tài sản nhà nước, móc túi bệnh nhân. Lẽ ra, thay vì nhăm nhăm cách kiếm lợi bất chính cho bản thân, họ phải chuyên tâm cho việc nghiên cứu khoa học, chữa bệnh cứu người, đưa ra những giải pháp tiết giảm chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân, mà trong số đó có không ít người nghèo.
Họ đã quên mất lời thề Hippocrates, rằng y đức luôn phải đặt lên hàng đầu, hết mình cống hiến cho sự nghiệp y học, tận tâm cứu chữa người bệnh... Họ chỉ cốt sao leo lên chức vụ càng cao thì càng có nhiều cơ hội đục khoét, biển thủ tài sản nhà nước, bòn rút tiền thuế của dân. Họ không quan tâm sự sống chết của người bệnh, nhất là người nghèo.
Song, trách họ một thì phải trách những người đề bạt, bổ nhiệm họ gấp mười lần. Bản chất của họ vốn dĩ là cơ hội, chỉ có điều lãnh đạo đã không đủ tinh tường để nhận ra điều đó khi “nâng đỡ” họ mà thôi. Từ đó cho thấy trong công tác tổ chức cán bộ của một số nơi, một số ngành, vào một số thời điểm còn chưa chặt chẽ, vẫn để lọt những kẻ cơ hội như vậy chui sâu, luồn cao vào các bộ máy quản lý nhà nước, gây hại cho xã hội và người dân.
Cán bộ thoái hóa biến chất đã là một mối hại to lớn, nhưng nếu cán bộ ngành y mà tha hóa, nhăm nhăm trục lợi thì sẽ là mối nguy cho toàn xã hội. Vì sao vậy? Đơn giản là ngành y gắn liền với tính mạng, sức khỏe của người dân, liên quan đến sự trường tồn của giống nòi dân tộc. Vậy mà họ không quan tâm đến y đức, chỉ nhăm nhăm đục khoét, bòn rút tiền thuế của dân, trục lợi trên lưng người bệnh thì làm sao có thể không lo ngại?
Vì thế, đối với dư luận xã hội, họ là những ác y đang ngày đêm âm thầm gây hại cho đất nước, dân tộc, là mối tai họa của xã hội và người dân. Họ khác biệt hẳn với những lương y đang ngày đêm quên mình nơi tuyến đầu chống đại dịch Covid-19, ngày quên ăn đêm quên ngủ. Nghịch lý là ở chỗ, những ác y là những kẻ có chức vụ chỉ việc ngồi nhà hưởng lợi bất chính, trong khi các lương y lại đang phải hy sinh nơi tiền phương dịch dã.
Vậy nên, đã đến lúc Bộ Y tế và các địa phương cần nghiêm túc xem lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của mình, để tránh lặp lại những sai lầm là “dựng lên” những cán bộ thoái hóa biến chất như vừa kể ở trên. Nếu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai lầm, người giới thiệu, quy hoạch, nâng đỡ phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể xem xét cả khía cạnh hình sự. Có vậy mới hy vọng làm trong sạch đội ngũ ngành y.