Chúng tôi đến Kon Tum vào một ngày đầu tháng Ba, mùa đơm hoa kết trái của cây cà phê, cây sầu riêng ở Tây Nguyên. May mắn là chúng tôi được theo chân các cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đến với những người nông dân đang miệt mài lao động với ước mong phát triển kinh tế hộ bền vững để đóng góp xây dựng Kon Tum.
Những người đi lên từ hai bàn tay trắng
Đặt chân lên đất Kon Tum từ những năm 1990, người trai Hà Nội Bùi Văn Quyển khi ấy cảm thấy rất ấn tượng với vùng đất rộng lớn, đất đai trù phú của làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy nhưng dân cư thì thưa thớt. Vậy là anh lính Hà Nội sau khi xuất ngũ đã quyết tâm bám trụ đất này và làm một người nông dân thứ thiệt.
Xin xã, xin huyện dăm héc-ta đất để khai hoang trồng cao su; đến nay, anh Bùi Văn Quyển đã có khoảng 40 héc-ta trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; mỗi năm cho giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Kể về những ngày đầu mày mò, người nông dân này cho biết, những ngày đầu gia đình anh chủ yếu tập trung trồng cây cao su với diện tích lên đến hàng chục héc-ta.
Tuy nhiên, vốn là người ham mày mò, học hỏi, vào những lúc bớt bận bịu, anh Quyển lặn lội vào tận Tiền Giang, Bến Tre hay đi sang Đắk Lắk, Đắk Nông để tự giải đáp băn khoăn của mình: Vì sao chỉ có vài héc-ta đất mà người nông dân ở những địa phương ấy lại có thu nhập cao hơn hàng chục héc-ta cao su của mình.
Thế rồi trở về, anh Quyển quyết tâm thay đổi dần cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây cao su là chính sang cây sầu riêng là chủ yếu. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Quyển giữ lại khoảng mươi héc-ta cao su; còn lại anh cải tạo lại đất và bắt đầu trồng sầu riêng.
Chị Dư Thị Thanh Vân, vợ anh Bùi Văn Quyển nhớ lại: Thời điểm chồng tôi chặt cây cao su, chuyển sang trồng sầu riêng thực sự tôi băn khoăn lắm; hai vợ chồng lúc đó cũng không đồng thuận đâu. Nhưng rồi, anh ấy đưa tôi đi thăm những trang trại sầu riêng tại Đắk Lắk và thuyết phục tôi “người ta chỉ có 1 héc-ta đất trồng sầu riêng mà đã thu lời gấp hàng chục lần 10 héc-ta cao su của nhà mình”.
Bị thuyết phục bởi chồng mình, người nông dân dám nghĩ, dám làm, chị Thanh Vân không còn gàn chồng nữa; mà trái lại chị cũng nỗ lực giúp chồng quản lý, cắt đặt công việc.
Cũng giống trường hợp của gia đình anh Quyển - chị Vân, trang trại Thành Thoa của người nông dân huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa Nguyễn Văn Thành cũng trở thành một điển hình vươn lên, làm chủ kỹ thuật phát triển kinh tế hộ thành công tại thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi. Người lính trinh sát tại chiến trường Campuchia năm nào đã xin địa phương mấy chục héc-ta đất vốn là bãi mìn trong chiến tranh chống Mỹ năm xưa để tự cải tạo, rà phá và được lực lượng công binh trợ giúp.
Đến nay, ông Thành đã có 10 héc-ta trong đó 7 héc-ta trồng cà phê, hồ tiêu, cau xuất khẩu; còn 3 héc-ta, ông đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi mấy trăm heo nái, lợn rừng, gà. Kinh tế hộ phát triển ổn định, mấy người con trai của ông Thành giờ cũng được đào tạo bài bản phụ giúp gia đình từ khâu kỹ thuật đến quản lý trang trại.
Không chỉ ổn định kinh tế, gia đình nông dân Bùi Văn Quyển và Nguyễn Văn Thành đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn, trong xã; bên cạnh đó, họ còn tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào an sinh của địa phương.
Thành công nhờ đồng vốn vay
Đó là khẳng định của nông dân Bùi Văn Quyển và đồng thời cũng là chia sẻ của nông dân Nguyễn Văn Thành. Đồng vốn mà hai gia đình nông dân này cũng như hàng trăm, hàng ngàn nông dân khác có được là nhờ Ngân hàng Agribank chi nhánh Sa Thầy và chi nhánh Ngọc Hồi nói riêng và Ngân hàng Agribank Chi nhánh Kon Tum nói chung.
Hai nông dân chúng tôi gặp trong chuyến đi Kon Tum lần này đều có dư nợ vốn vay tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Sa Thầy và Ngọc Hồi lúc cao nhất lến đến 10 - 12 tỷ đồng. Dù rằng, làm nông rủi ro cao do yếu tố thời tiết và thị trường nhưng cả hai chưa bao giờ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay cho các dự án nông nghiệp của mình.
Với hộ Bùi Văn Quyển riêng Agribank hiện nay hộ nông dân này đang có dư nợ vay đến gần 7 tỷ đồng với lãi suất tùy thời điểm từ 6,5% đến 8,5%. Đồng vốn được sử dụng đúng mục đích để kinh doanh sản xuất, đầu tư hệ thống tưới tiêu nước, phân bón cho cây, phương châm là lấy ngắn nuôi dài.
Anh Quyển bảo, ở vùng quê còn khó khăn này, có những khi gia đình anh cũng nhận được nhiều lời mời chào tham gia vay tín dụng đen; nhưng “chúng tôi không bao giờ chấp nhận tiếp cận nguồn vốn ấy”. Phần vì, biết chắc mình không thể trả những khoản lãi cắt cổ; phần quan trọng là cán bộ tín dụng của Agribank luôn sát cánh với gia đình; thường xuyên hỏi thăm, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình rất tận tình trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn và trình duyệt khoản vay nhanh chóng, anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Quý Hà, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Sa Thầy cho biết, những năm qua, chi nhánh đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Dư nợ của chi nhánh này là trên 1.000 tỷ đồng, trên 75% trong số đó là cho vay tam nông. Khách hàng chủ yếu của Chi nhánh Agribank Sa Thầy là hộ nông dân với trên 4.500 hộ. Khối lượng công việc tuy áp lực nhưng cán bộ đa phần trẻ nên nhiệt huyết.
Để hạn chế rủi rõ, cán bộ đi sâu đi sát nắm vững điều kiện từng gia đình. Nhờ thế nợ xấu qua các năm ở Chi nhánh Agribank Sa Thầy luôn ở mức dưới 0,5 %, năm 2022 dưới 0,24 % ước là 2,4 tỷ đồng. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, Chi nhánh Agribank huyện Sa Thầy thực hiện giảm lãi theo chỉ đạo. Lấy ví dụ từ trường hợp khách hàng Quyển, ông Hà cho biết, Chi nhánh Sa Thầy đã duyệt cho hộ gia đình này những khoản vay để đầu tư hệ thống tưới tiêu với sự hỗ trợ theo Quyết định 68/2013/QĐ -TTg về giảm tổn thất trong nông nghiệp để đầu tư hệ thống tưới tiêu. Rồi những khoản vay để đầu tư giống cây trồng, phân bón…
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly, huyện Sa Thầy cho biết, hiện xã đang giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng từ cây cao su sang cây ăn quả. Hiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ dân là 36 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu trong năm nay đạt nông thôn mới, cuối năm đạt thu nhập bình quân 42 triệu/người/năm. Dư nợ vốn vay Agribank của người dân trong xã là trên 32 tỷ đồng với 177 hộ dân vay tín dụng này, nhờ nguồn vốn nên các hộ dân đã phát triển được sản xuất. Nguồn vốn mà theo như vị Phó Chủ tịch xã là rất quan trọng để đầu tư cho chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả, đầu tư vốn giống.
Còn, hộ dân Nguyễn Văn Thành thì nhờ nguồn vốn vay ban đầu tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Ngọc Hồi chỉ 15 đến 20 triệu đồng vào năm 1998, đến nay ông Thành có một cơ ngơi khang trang và một trang trại cho năng suất cao chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình trang trại hữu cơ. Có những đợt heo rớt giá suốt 3 năm từ 2017 đến 2019, tưởng chừng không gượng dậy được; nhưng ông bảo, nhờ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất; lại được sự động viên của chính quyền địa phương mà ông quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Từ khoản vay lên đến 12 tỷ đồng, hiện người nông dân này đã trả được phần lớn, chỉ còn dư nợ vay 3,2 tỷ đồng.
Ông Thành bảo, năm sau tôi có ý định mở rộng sản xuất với việc thêm hệ thống chuồng trại để nuôi thêm 300 heo nái, lúc ấy, tôi chắc chắn sẽ vay thêm vốn của Ngân hàng Agribank chi nhánh Ngọc Hồi- “người bạn” chung thủy của tôi suốt 25 năm qua, người đồng hành tin cậy của nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.