Thu nhập thấp, công việc bấp bênh, có thể thất nghiệp bất cứ lúc nào... đó là những rủi ro thường trực đối với những lao động tự do. Trong khi đó, đây lại là đối tượng chiếm phần lớn trong lực lượng lao động. Chính vì thế rất cần những chính sách, giải pháp căn cơ để cải thiện cuộc sống, thu nhập đồng thời giảm thiểu những rủi ro, bất ổn đối với hàng chục triệu lao động tự do trên cả nước.
Cả nước hiện có khoảng 33 triệu lao động tự do, chiếm hơn 50% tổng số việc làm. Với sự đa dạng về ngành nghề, có thể khẳng định, những lao động tự do đóng vai trò rất quan trọng với đời sống kinh tế của nhiều gia đình, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đủ nghề kiếm sống
Tuy nhiên, hầu hết lao động tự do hiện nay đối diện với nhiều khó khăn. Họ thường không được bảo vệ bởi pháp luật lao động, có thu nhập thấp và ít quyền lợi trong quá trình thương lượng về điều kiện làm việc. An toàn trong lao động cũng không được đảm bảo. Đặc biệt, với việc không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều người làm nghề xe ôm không may bị tại nạn thì kinh tế gia đình trở nên điêu đứng. Nhiều thợ xây không may ngã dàn giáo, mất sức lao động kéo theo nhiều gánh nặng kinh tế gia đình… các chính sách, mạng lưới an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ được hết nhóm người thuộc khu vực này.
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống làm bún lâu năm, song chị Trần Ánh Nguyệt (làng bún Phú Đô, Hà Nội) cho biết, nghề làm bún đã gắn bó bao năm nay với người dân ở làng bún Phú Đô, nhưng mức thu nhập chỉ dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, mà chi tiêu cho sinh hoạt gia đình, con cái học hành, thì chị Nguyệt và chồng chị không đủ để trang trải cuộc sống.
Tương tự, tại làng làm tăm hương nổi tiếng xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội, người dân theo nghề cũng có thu nhập không cao, chỉ xoay quanh mức 8-10 triệu đồng/ tháng. Song, mức thu nhập này rất ít người lao động ở đây đạt được vì đòi hỏi về sức khỏe, kỹ năng cũng như tính cần cù. Bởi thế, phần lớn người trong xã chỉ có thu nhập trong khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, những người có nghề để gắn bó, theo nghề dù thu nhập thấp nhưng vẫn còn may mắn vì công việc khá ổn định. Còn rất nhiều người lao động tự do không có nghề nghiệp cụ thể, nay làm việc này, mai làm việc khác, hết sức bấp bênh và cũng đối diện với không ít rủi ro ở ngoài xã hội.
Hôm nào cũng vậy, đều đặn 5 giờ sáng là chị Trần Thị Hải (trú tại khu nhà trọ ở Đông Anh, Hà Nội) lại đạp xe từ khu trọ vào trung tâm Hà Nội, thồ theo giỏ hàng thập cẩm các món đồ lặt vặt như bông ngoáy tai, tăm tre, cặp tóc, kẹo cao su... để bán hàng rong. Chị Hải cho biết, ngày nào cũng như ngày nào chị đạp xe lên trung tâm rồi đi lòng vòng khắp các con phố, ngõ ngách bán hàng từ sáng đến chiều, ngày cũng kiếm được đôi ba trăm nghìn đồng. Tính ra một tháng, chăm chỉ cũng “cày” được khoảng chục triệu đồng. “Đi bán hàng rong thế này cũng mệt nhưng, hôm nào thời tiết đẹp thì còn đi được nhiều nơi, bán được nhiều hàng, gặp hôm mưa bão thì ế nặng” – chị Hải tâm tư.
Với đội ngũ xe ôm, shipper, thu nhập khá khẩm hơn, song thực tế lại đối diện với nhiều rủi ro.
Anh Nguyễn Văn Lâm (trọ ở khu Pháo Đài Láng, Hà Nội) tâm sự, anh hành nghề lái xe ôm đã nhiều năm, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Làm nghề xe ôm gặp khách vui vẻ, dễ tính còn được trả thêm tiền, phải khách khó tính thì có khi còn bị cằn nhằn có khi mất luôn cả cảm hứng làm việc của một ngày. “Ngại nhất là những rủi ro bị cướp xe, rồi tai nạn giao thông cũng không lường trước được...” – anh Lâm chia sẻ.
Tương tự, đội ngũ thợ xây, thợ hồ cũng thường trực những mối lo về sức khỏe, an toàn lao động. Những vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề này. Số liệu thống kê cho hay, 5 năm qua, ước tính mỗi năm có trên 1.400 người lao động tự do tử vong do tai nạn lao động, cao gấp gần 2 lần khu vực người lao động có hợp đồng lao động. Điều này một lần nữa cho thấy sự bấp bênh đối với số phận của người lao động tự do. Có thể thấy, vì không được bảo đảm bởi các chính sách an sinh, lao động tự do còn khó khăn hơn khi xảy ra tại nạn lao động.
Cần chính sách bảo vệ lao động tự do
Thực tế cho thấy, rất cần đẩy mạnh các chính sách cơ bản cũng như xem xét và điều chỉnh khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của lao động tự do. Các ngành chức năng như lao động xã hội, y tế, bảo hiểm… cần phải tính tới chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể bảo đảm và thụ hưởng tốt hơn về chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, cần mở rộng và cải thiện hệ thống dịch vụ việc làm để họ có cơ hội dễ tiếp cận việc làm và cơ hội nghề nghiệp.
Theo bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, cần chính sách cơ bản để lao động tự do tránh những khó khăn, nâng cao đời sống cho họ, đó là phải tạo công ăn việc làm. Có việc làm ổn định thì mới nâng cao được thu nhập, đời sống. Ví dụ như nhóm lao động tại các làng nghề là lao động tự do với 11 triệu lao động đang bấp bênh do đầu ra của sản phẩm không ổn định. Do đó cần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa rồi có nhiều quy định tiến bộ, trợ cấp cho người trên 75 tuổi mà không có lương hưu. Chính sách xã hội chúng ta luôn hướng tới làm sao hỗ trợ cho người yếu thế để làm sao ổn định cuộc sống, nhất là người già.
Tuy nhiên hiện nay lao động tự do như giúp việc gia đình, xe ôm, grap, shiper... có thu nhập rất bấp bênh. Vì thế Chính phủ phải có chính sách để tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng phát triển.
Bà An cũng cho rằng, để lao động tự do tránh được những rủi ro, những vấn đề về sức khỏe cần tuyên truyền vận động để họ tham gia BHXH tự nguyện. Bởi vậy, cần tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện. Vừa qua đã có một số chính sách như hạ thời gian đóng để hưởng BHXH xuống còn 15 năm, chế độ cho cán bộ cấp xã, trợ cấp thai sản... nhưng cần nghiên cứu, tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện để người lao động trong hoàn cảnh nào họ cũng có thể tham gia BHXH. Đó chính là vấn đề an sinh đến cuối đời của họ.
“Cần tiếp tục cải cách hành chính, làm cho các thủ tục liên quan đến BHXH được nhẹ nhàng, để cho người dân muốn đóng dễ dàng hơn, tin tưởng hơn về việc đóng BHXH. Qua đó chúng ta tiến tới độ bao phủ của BHXH ngày càng được mở rộng” – bà An nêu quan điểm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về BHXH tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Dự thảo đề xuất đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là người làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên.
Dự thảo quy định 2 chế độ cơ bản về tai nạn lao động mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng, gồm có: giám định mức suy giảm khả năng lao động và chế độ trợ cấp một lần.
Theo các chuyên gia, điều này là cần thiết nhằm khắc phục hạn chế của bảo hiểm thương mại, phát huy tính ưu việt của BHXH về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động tự do, cần tăng cường đào tạo và tuyên truyền pháp luật, giúp họ hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Điều này không chỉ giúp họ có thêm kỹ năng, mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực và an toàn.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương):
Tăng cường đào tạo nghề, dịch chuyển dần sang khu vực chính thức
Hiện nay lao động trong lĩnh vực phi chính thức (lao động tự do) đang chiếm tỷ lệ lớn. Vì làm việc trong lĩnh vực phi chính thức nên họ không có chế độ gì cả. Ngay Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có thể thấy rằng hầu hết các chế độ chính sách liên quan đến bảo hiểm thường tập trung ở lao động khu vực chính thức.
Hiện số lượng lao động ở khu vực phi chính thức rất đông. Muốn giảm lao động ở khu vực phi chính thức cần một loạt giải pháp. Đó là Chính phủ hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp (DN). Theo đó, DN đang hoạt động thì được hỗ trợ để hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn. Hỗ trợ cho các DN mới thành lập, và khởi nghiệp. Vì doanh nghiệp mới thành lập sẽ thu hút một lượng nhất định lao động mới vào làm việc. Có chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài vì đây thường là DN lớn, thâm dụng lao động. Đó là những cách để chúng ta giảm dần tỷ trọng của lao động ở khu vực phi chính thức, chuyển sang khu vực chính thức. Ngoài ra cần tập trung cho công tác đào tạo nghề, phân luồng học sinh ngay từ bậc sau THCS. Đó là định hướng giảm dần lao động ở khu vực phi chính thức.
Điều quan trọng là phải làm thế nào để phát triển được số người tham gia BHXH tự nguyện. Đây chính là mấu chốt để lao động ở khu vực phi chính thức được hưởng các quyền lợi nhất định.
H.Vũ (ghi)