Dư luận xã hội trong những ngày qua sôi nổi bàn luận việc vì sao những người “nhận hối lộ” để nâng điểm cho các thí sinh (tại Hòa Bình và Sơn La) đã bị bắt giam, trong khi danh tính những người “đưa hối lộ” để chạy điểm lại bị các cơ quan chức năng, nhất là Bộ GDĐT “nâng lên đặt xuống” không muốn công bố. Người ta không ngớt đồn đoán rằng thế này, rằng thế kia, song mọi luồng ý kiến cũng chỉ là võ đoán, thiếu tính xác thực, khi mà các cơ quan có thẩm quyền chưa công bố rõ ràng.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước không ít lần chỉ đạo các “tư lệnh” ngành, địa phương phải nhanh chóng, kịp thời cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch để dẹp tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, để cả báo chí và người dân có thể giám sát các cơ quan chức năng trong việc thực thi công vụ, không để mạng xã hội đồn thổi thất thiệt gây hại cho lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Song, trong vụ việc chạy điểm tại các tỉnh vừa qua, Bộ GDĐT cũng như các cơ quan chức năng có vẻ chậm chạp trong việc thực hiện chủ trương trên của Đảng và Nhà nước.
Vài ngày trước, trong buổi họp báo công bố về kết quả điều tra ban đầu về việc nâng điểm tốt nghiệp THPT cho các thí sinh tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình..., lãnh đạo Bộ GDĐT khẳng định còn “cân nhắc” việc có công khai danh tính của các thí sinh được nâng điểm hay không, vì lo xảy ra những “hệ lụy xấu”. Vâng, việc công khai danh tính các thí sinh được nâng điểm tốt nghiệp THPT hay không cũng không phải là vấn đề quan trọng mà dư luận xã hội quan tâm. Ở đây, người dân trên khắp cả nước chỉ mong muốn được biết những người đã bỏ tiền, dùng quyền để “chạy” điểm là ai.
Với các cháu học sinh thì còn có thể không công khai danh tính, song, với các bậc phụ huynh đã dùng tiền, quyền để mua chuộc (hoặc ép buộc) người có thẩm quyền nâng điểm cho con cháu họ thì chẳng có lý do gì để bí mật danh tính. Việc không công khai minh bạch danh tính của những bậc phụ huynh đã chạy điểm cho con cháu họ chính là việc làm dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, tạo tiền lệ xấu cho những người khác, địa phương khác, ngành khác “noi theo” gây bất ổn cho xã hội.
Với lý do trên, người dân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GDĐT, Bộ Công an và Công an các địa phương cần nhanh chóng công khai danh tính của những bậc phụ huynh đã dùng tiền, quyền để chạy điểm cho con cháu họ. Đồng thời cũng cần công bố một cách minh bạch những chế tài đối với những người có hành vi dùng tiền, quyền để chạy điểm, dù họ là ai, giữ vị trí gì. Việc công khai danh tính cũng như hình thức xử lý chính là bài học cho những người khác trong việc lợi dụng quyền lực, tiền bạc làm tha hóa cán bộ, nhất là trong lĩnh vực “trồng người”.
Xét về khía cạnh pháp luật thì càng cần phải công bố ngay lập tức tên tuổi, địa chỉ, chức vụ, cơ quan công tác... của những người dùng tiền, quyền để chạy điểm cho con cháu. Đơn giản bởi có cung thì ắt có cầu, nếu không có ai, cán bộ nào có nhu cầu “mua điểm” thì làm gì có những người “bán điểm”. Có lý nào người nhận tiền để sửa điểm thì phải đối mặt với pháp luật, còn người đưa tiền để nâng điểm cho người thân lại bình yên vô sự, không phải chịu bất cứ chế tài pháp lý nào?
Chính vì sự chần chừ công khai thông tin của các cơ quan chức năng mà dư luận xã hội nghi ngờ có sự bao che, dung túng bởi trong số những người vi phạm pháp luật có một số cán bộ giữ vị trí chủ chốt tại các địa phương. Người ta đặt vấn đề: Nếu người chạy điểm không phải là cán bộ, thậm chí là cán bộ “to” thì tại sao các cơ quan chức năng lại không công bố tên tuổi, địa chỉ và hình thức xử lý? Với hành vi đưa tiền để nâng điểm cho người thân đã cấu thành tội đưa hối lộ trong pháp luật hình sự, tại sao lại phải giấu?
Vậy nên cần sớm công bố danh tính của những người đã dùng tiền, quyền gây ảnh hưởng với mục đích nâng điểm cho con cháu họ. Đồng thời cũng công bố luôn hình thức xử lý đối với những trường hợp này, nhẹ thì xử lý hành chính, cách chức, phạt tiền, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới có thể định hướng dư luận, không để cho những phần tử cơ hội có thể xuyên tạc, cũng để nhân dân thêm tin tưởng vào cán cân công lý, sự tôn nghiêm của pháp luật, rằng bất cứ ai cũng sẽ phải trả giá dù người đó là ai, giữ chức vụ gì.