Ai chịu trách nhiệm về sai phạm tại Dự án xây TTTM Tân Hiệp - Đồng Nai?

Hà An 03/09/2015 22:31

TTTM Tân Hiệp với vốn đầu tư ban đầu chỉ 176,4 tỉ đồng, sau khi đổi chủ đầu tư, đã báo cáo công trình tiêu tốn hơn 525 tỷ đồng hiện đang bị “đắp chiếu” xuống cấp, trong khi quyền lợi chính đáng của hơn 700 tiểu thương không được giải quyết kịp thời. Trách nhiệm cá nhân đối với các cán bộ liên quan đến hàng loạt sai phạm đối với Dự án này như thế nào cần sớm được xử lý nghiêm minh, công khai cùng dư luận.

Ai chịu trách nhiệm về sai phạm tại Dự án xây TTTM Tân Hiệp - Đồng Nai?

Trung tâm thương mại Tân Hiệp chưa đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp.

Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 29/7 có bài “Tiểu thương chợ Tân Hiệp: Thấp thỏm đợi kết quả xử lý” phản ánh kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xử lý các cá nhân, đơn vị sai phạm đối với dự án xây dựng Trung tâm Thương mại (TTTM) Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay hàng trăm tiểu thương vẫn tiếp tục chờ đợi…

Không giữ đúng lời hứa

Năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án TTTM kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Tân Trung Sơn làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Dự án này có quy mô cao 3-5 tầng với kiến trúc hiện đại, có diện tích sử dụng 15.990m2 với tổng vốn đầu tư 176,4 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện 2 năm.

Ngày 30/3/2009, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép xây dựng số 12/GPXD cho Công ty cổ phần Tân Trung Sơn xây dựng trên tổng diện tích 11.178m2, diện tích sàn xây dựng 54.812m2, khối nhà chính có quy mô tầng + tầng kỹ thuật và 1 tầng hầm, trong đó khu vực chợ bố trí tổng cộng 650 sạp và ki-ốt.

Sau khi có giấy phép xây dựng, đã thi công xong phần móng cột công trình, Công ty cổ phần Tân Trung Sơn cho rằng thiết kế của dự án kết hợp 2 mô hình trong cùng một tòa nhà là không hợp lý vì không phù hợp với thói quen mua bán của người tiêu dùng Việt Nam nên xin điều chỉnh bố trí quầy sạp chợ truyền thống. Được sự ưu ái của UBND thành phố Biên Hòa, ngày 8/2/2011, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cấp thêm giấy phép xây dựng mới trái với quy định pháp luật.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trước đó ngày 14/5/2008, UBND TP Biên Hòa đã có các văn bản đến từng hộ dân - cam kết “bố trí tiểu thương kinh doanh đúng vị trí theo hướng tịnh tiến tại tầng trệt” trong khu vực chợ sau khi Trung tâm Thương mại này xây xong. Tuy nhiên, quá trình tiến hành thực hiện dự án, UBND TP. Biên Hòa lại đưa ra phương án mới, điều chỉnh sắp xếp các sạp, ki-ốt của tiểu thương rải rác lên các tầng 1 và tầng 2.

Đặc biệt, khu vực mặt tiền chợ truyền thống nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP Biên Hòa) xung quanh Trung tâm Thương mại lại không bố trí ki-ốt bán hàng, trong khi tăng thêm số lượng sạp lên đến 694 sạp, hoàn toàn khác với những gì mà chính quyền địa phương đã công bố, cam kết với tiểu thương trước đó. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đã không thông tin cho người dân biết về việc thay đổi quy mô Dự án và thay đổi phương án bố trí sạp, ki-ốt.

Theo các tiểu thương đang kinh doanh ở chợ tạm, đầu tháng 8/2015, chủ đầu tư động thổ xây dựng chợ mới nhưng họ không được thông báo, không được họp để lấy ý kiến đồng thuận. Nhiều tiểu thương tại chợ Tân Hiệp đã bức xúc, phản ánh tình trạng “tự tung, tự tác” trong quá trình thực hiện Dự án với các cơ quan có trách nhiệm, nhưng không được giải quyết.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (số 418/ BC-TTCP ngày 5/3/2015) đã chỉ rõ: “UBND TP.Biên Hòa không thực hiện đúng chỉ đạo về việc lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương, không kịp thời tổ chức lấy ý kiến cũng như không thông tin cho tiểu thương biết về việc thay đổi quy mô Dự án và phương án bố trí sạp, ki-ốt.”.

Làm sai, ai chịu trách nhiệm?

Trong số hơn 700 tiểu thương kinh doanh ở chợ tạm thì nay hơn một nửa phải lâm vào cảnh nợ nần. Bà Nguyễn Thị Oanh sạp 199-224 thở dài: “Cuối năm 2008 tất các tiểu thương chúng tôi đã chấp hành di dời để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng chợ mới và hứa sau 3 năm sẽ được quay trở lại kinh doanh ở tầng trệt. Vậy mà đến nay đã 7 năm chờ đợi, chúng tôi vẫn phải kinh doanh trong cái chợ tạm, phải chịu dầm mưa giãi nắng khổ cực đủ bề. Vì môi trường kinh doanh xấu cùng với địa điểm kinh doanh nằm sâu nên kinh doanh ngày càng ế ẩm, có những lúc 3 ngày liên tục không một người đến mở hàng. Chợ búa gì mà tiểu thương còn đông hơn người mua hàng".

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thứ còn khốn đốn hơn khi năm 2006 chị sang lại ki-ốt của người khác tại chợ Tân Hiệp với giá 200 triệu đồng. Vừa mới kinh doanh ổn định chưa được 2 năm đã phải trả mặt bằng về chợ tạm. Theo chị Thứ, do việc kinh doanh không có lợi nhuận nên gia đình phải vay tiền ngân hàng để mua hàng và vay nóng bên ngoài để trang trải cuộc sống.

Xung quanh các sai phạm tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, kiến nghị xử lý. Ngày 13/5/2015, Văn phòng Chính phủ có CV 944/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu: “Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý theo kết luận, kiến nghị của TTCP báo cáo Thủ tướng trong tháng 7-2015”.

TTTM Tân Hiệp với vốn đầu tư ban đầu chỉ 176,4 tỉ đồng, sau khi đổi chủ đầu tư, đã báo cáo công trình tiêu tốn hơn 525 tỷ đồng hiện đang bị “đắp chiếu” xuống cấp, trong khi quyền lợi chính đáng của hơn 700 tiểu thương không được giải quyết kịp thời. Trách nhiệm cá nhân đối với các cán bộ liên quan đến hàng loạt sai phạm đối với Dự án này như thế nào cần sớm được xử lý nghiêm minh, công khai cùng dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai chịu trách nhiệm về sai phạm tại Dự án xây TTTM Tân Hiệp - Đồng Nai?