Nhân viên y tế, người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền... thuộc nhóm ưu tiên khi vaccine Covid-19 được đưa vào tiêm chủng.
Những dự đoán lạc quan nhất cho thấy một loại vaccine có thể sẵn sàng trong vài tháng nhưng phải mất nhiều năm mới có đủ liều lượng để tiêm chủng cho mọi người. Khi vaccine Covid-19 được đưa vào tiêm chủng, nhu cầu có thể vượt quá nguồn cung, nhất là trong thời gian đầu. Vì vậy, khi đã có vaccine phòng Covid-19, thách thức tiếp theo là quyết định những người đầu tiên được nhận vaccine.
Các chuyên gia đối mặt với tình thế khó xử tương tự khi nguồn cung vaccine hạn chế trong dịch cúm năm 2009. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển khuôn khổ đạo đức cho việc phân bổ nguồn lực và thiết lập mức độ ưu tiên về vaccine Covid-19, trong đó, nêu ra các cân nhắc.
Theo đó, mọi người có nguy cơ như nhau đều có cơ hội được tiêm chủng như nhau; uu tiên những người có nhiều lợi ích nhất từ việc chủng ngừa; ưu tiên cho người có nguy cơ mắc bệnh cao và bệnh nặng; ưu tiên những người được giao nhiệm vụ giúp đỡ người khác.
Áp dụng các nguyên tắc này, WHO chỉ ra các nhóm đối tượng nên ưu tiên tiêm chủng như nhân viên hệ thống chăm sóc sức khỏe, người trên 65 tuổi và người lớn mắc bệnh đi kèm (tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì hoặc bệnh hô hấp mãn tính)...
Về cơ bản, mọi người phải được tiếp cận bình đẳng với vaccine. Tuy nhiên, có nhiều lý do để đặt nhân viên y tế lên hàng đầu. Bởi họ có nguy cơ cao nhiễm nCoV và truyền nó cho người khác do tiếp xúc nhiều lần. Nhân viên y tế cũng là tuyến đầu trong việc phòng chống dịch bệnh và đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cho những người cần đến.
Nhân viên y tế là một phần của rất nhiều nhân viên chủ chốt, những người đã đóng vai trò quan trọng để giữ sự ổn định cho các quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng vì Covid-19.
Những người có nguy cơ bị bệnh nặng nhất hoặc tử vong cũng cần được tiêm vaccine Covid-19.
Vaccine còn ưu tiên những người có nhiều lợi ích nhất từ việc chủng ngừa như những người có liên quan đến việc cung cấp thực phẩm, quần áo, chỗ ở và các nhu cầu cơ bản khác, chẳng hạn như người làm việc ở siêu thị, nhà máy, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các quốc gia sẽ phải quyết định đối tượng nào đủ điều kiện tiêm chủng vì tính chất công việc của họ. Giả sử vaccine Covid-19 có thể cung cấp khả năng miễn dịch chống lại sự lây truyền của nCoV thì việc tiêm cho những người có nhiều khả năng tiếp xúc với người khác và truyền virus cũng có thể góp phần ngăn chặn sự lây lan trong số đông dân cư.
Sau khi các nhóm khác nhau cần vaccine Covid-19 nhất đã được xác định, ban đầu có thể vẫn chưa đủ liều cho mọi người trong tất cả các nhóm trên. Gợi ý để đảm bảo sự bình đẳng là việc phân phối vaccine ban đầu trong các nhóm ưu tiên có thể được xử lý bằng hệ thống dựa trên xổ số, về mặt lý thuyết sẽ mang lại cho mọi người cơ hội tiêm chủng như nhau.
Dự án COVAX được tạo ra để đẩy nhanh quá trình phát triển và sản xuất vaccine, đồng thời đảm bảo phân phối công bằng sau khi có sẵn. Dự án được thúc đẩy bởi Liên minh vaccine GAVI, WHO và Liên minh Sáng chế Sẵn sàng trước Dịch bệnh (CEPI). Quy mô của các nhóm ưu tiên này sẽ được sử dụng để tính toán cách phân bổ liều lượng giữa các nước.
Hiện dự án COVAX đã 172 quốc gia tham gia, dự kiến mục tiêu cung cấp hai tỷ liều vaccine trên toàn cầu vào cuối năm 2021.