Mùa hè cũng là mùa thu hoạch dứa. Đây là loại trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, A, K, B6, mangan, thiamine, choline, canxi, phốt pho, kẽm và selen, cũng như một số hợp chất dễ bay hơi tạo cho dứa có hương vị đặc trưng.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ít nhất 30 hợp chất dinh dưỡng và hoạt tính sinh học trong nước dứa, gồm các loại đường, polyphenol và axit hữu cơ (chủ yếu là axit xitric và L-malic).
Mặc dù tương đối ít calo, nhưng một khẩu phần ăn dứa có tới 131% giá trị hàng ngày về lượng vitamin C chống oxy hóa. Đây là nguồn dưỡng chất tuyệt vời để hỗ trợ tăng cường miễn dịch và hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm.
Bên cạnh những lợi ích của dứa với sức khỏe như: điều trị cảm và ho, tăng cường xương, tốt cho răng, ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho mắt… thì các chuyên gia y tế cũng khuyên, một số người không nên ăn nhiều dứa.
Cụ thể, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TPHCM) lưu ý, khi ăn dứa, mọi người cần cắt gọt hết các mắt, vì bộ phận này chứa một số nấm như candida, nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc. Dứa cũng chứa hàm lượng carbohydrate và đường cao, do đó người bệnh tiểu đường cần thận trọng.
Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều vitamin C trong dứa có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc ợ nóng. Dứa có thành phần axit, ăn quá nhiều sẽ gây sâu răng.
Một số người có thể cảm thấy rát hoặc khó chịu trong miệng, môi hoặc lưỡi sau khi uống nước dứa, đây là tác dụng phụ do enzyme bromelain gây nên. Lượng bromelain cực cao cũng có thể gây phát ban da, nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu kinh nguyệt nhiều.
Người dùng thuốc kháng sinh, chống đông máu, làm loãng máu, chống co giật, benzodiazepin, thuốc trị mất ngủ và chống trầm cảm không nên ăn quá nhiều dứa. Bromelain có thể kháng tiểu cầu lên máu, làm tăng khả năng chảy máu quá mức. Do đó, bạn cần tránh sử dụng bromelain trước và sau phẫu thuật. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.
Ăn dứa chưa chín có thể gây ngộ độc dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa nghiêm trọng. Ngoài ra, nên tránh ăn lõi dứa, bởi các sợi xơ khả năng gây cản trở hệ thống tiêu hóa và đầy hơi chướng bụng.
Quả dứa có nhiều axit hữu cơ và enzyme bromelain có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày. Nếu ăn dứa tươi vào lúc đói, các axit hữu cơ của dứa và bromelin tác động vào niêm mạc dạ dày, ruột, gây nôn nao, khó chịu.