Yên Bái, vùng đất cửa ngõ Tây Bắc đi qua 62 năm kể từ ngày Bác Hồ đến thăm và 75 năm từ ngày Chi bộ Cộng sản lập ra với 3 đảng viên trẻ như “đốm lửa hồng trên núi” - những lời căn dặn và mong muốn của Người đã được các thế hệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây nỗ lực biến thành hiện thực, tạo nên diện mạo cuộc sống tươi sáng, xứng đáng trở thành tỉnh khá ở vùng núi phía Bắc.
62 năm Yên Bái ghi nhớ lời căn dặn của Bác
“Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi phía Bắc”- câu nói của Bác Hồ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái khi người về thăm vùng sơn cước từng là thủ phủ Hoàng Liên Sơn cuối tháng 9/1958 - lời căn dặn mà người Yên Bái ghi nhớ sâu sắc hàng chục năm qua. Bác nói mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống, có núi rừng, đất đai rộng lớn, từng tạc vào sử vàng nước nhà với cuộc khởi nghĩa chống thực dân do lãnh tụ Nguyễn Thái Học chỉ huy, biết bao máu của anh hùng và nhân dân đã đổ xuống, thì sao Yên Bái có thể nghèo mãi, thiếu thốn mãi được.
“Bàn tay xòe năm ngón ra sẽ dễ bị bẻ, bàn tay nắm chắc lại thì ai bẻ được”- lời Bác dặn còn đó ngấm vào tâm khảm cả biển người lúc ở sân vận động thị xã đón Bác. Bác nói phải đoàn kết chặt như bàn tay nắm lại, và nhất là phải bình đẳng, giúp đỡ các dân tộc thiểu số, chú trọng mở mang đường sá. Bác bảo rằng huy động toàn dân thì sẽ làm xong đường lớn cho xe vận tải đến được tất cả các vùng cao, có như vậy mới giao lưu được hàng hóa, kinh tế mới phát triển…
Dù là vùng cao nghèo, lạc hậu, đậm đặc người Mông và người Thái sinh sống ngàn đời, Yên Bái đã vượt qua cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến công lẫy lừng Nghĩa Lộ 1952, Tỉnh ủy Yên Bái trực tiếp chỉ huy nhân dân nhất tề đứng lên theo Đảng, theo Bác, tiếp sức cho những đoàn quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiến lên giải phóng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954.
Yên Bái cũng đã tự nguyện để hàng ngàn bản làng chìm sâu dưới lòng hồ nhân tạo Thác Bà, nhường lại vùng hồ rộng lớn tạo ra dòng điện hòa vào mạng lưới năng lượng quốc gia phục vụ nông nghiệp miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ ở miền Nam. Vết đạn cỡ lớn do máy bay Mỹ bắn phá thủy điện Thác Bà nay vẫn còn đó trên vỏ máy tua-bin…
Lớp lớp những thế hệ trai trẻ Yên Bái lên đường cầm súng chống giặc đã vĩnh viễn nằm lại khắp mọi miền Tổ quốc, và thủy điện vẫn ầm ì vận hành đến tận ngày nay cũng giống như sức sống người vùng cao Yên Bái đầy mãnh liệt.
Không thỏa hiệp với đói nghèo
Đi qua 35 năm từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, có lẽ ai lên Yên Bái hôm nay sẽ thật khó hình dung về thị trấn “thủ phủ xác xơ xương cá” ngày nào. Những con đường lớn nhiều làn xe chạy, những khu đô thị hiện đại, quảng trường kẻ ô, phố sá đông vui, nhà hàng, khách sạn cao tầng, trường học khang trang, bệnh viện tầm cỡ khu vực…
Những “ông lớn” như Tập đoàn VinGroup, Tôn Hoa sen, Nipon Zuki, Anpha Nam, RK Ấn Độ từ nhiều năm trước đã không bỏ lỡ cơ hội đầy tiềm năng ở núi rừng xứ Yên, nhất là từ khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, kịp phát huy hiệu quả đầu tư và “sạc pin” đáng kể cho nguồn thu ngân sách tỉnh chỉ từ vài trăm tỷ đồng lên đến 3.500 tỷ đồng năm vừa qua.
Diện mạo giao thông với hàng trăm km đường ô tô chạy có cầu, đèn, thoát nước hoàn chỉnh và đồng bộ, cùng với sức đô thị hóa nhanh chóng đã toát lên vẻ đẹp Yên Bái như một Ngôi sao Tây Bắc.
Tăng GRDP 5 năm qua Yên Bái bình quân ước đạt 6,64%/năm. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng. Từ một tỉnh dân luôn thiếu gạo đói ăn, Yên Bái nay không chỉ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh lương thực mà đã có những con số rất ấn tượng.
Đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 65 triệu đồng/ha, nhiều diện tích đạt từ 250 - 300 triệu đồng. Hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: vùng quế gần 78.000 ha, măng tre 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha...
Sản phẩm hàng hóa Yên Bái đã xuất khẩu đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời, phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP. Hàng năm, toàn tỉnh trồng trên 15.000 ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 63%, xếp thứ tư cả nước.
Hiện tỉnh này có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm trên 50% số xã toàn tỉnh; một huyện đạt chuẩn NTM - huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn. Yên Bái được đánh giá là điểm sáng khu vực Tây Bắc về xây dựng NTM.
Du lịch có nhiều khởi sắc, hình thành khá rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm, trong đó có vùng du lịch quốc gia hồ Thác Bà, mỗi năm đón hàng trăm ngàn du khách. Từ một vùng sơn cước có địa hình hiểm trở, chia cắt giao thông, nay Yên Bái đã có hệ thống đường lớn đi lại thuận tiện, và 85% số thôn, bản có đường giao thông được bê tông hóa. Yên Bái có tới 6 cầu lớn bắc qua sông Hồng được xây dựng đi vào sử dụng kết nối các vùng.
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: Yên Bái luôn cam kết và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến với tỉnh này, và mảnh đất giầu tiềm năng, mến khách luôn có phương châm “Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”.
Phương châm này như một bước đột phá rất lớn trong thu hút đầu tư. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà luôn nhấn mạnh thông điệp: “Yên Bái sẽ ứng xử với doanh nghiệp bằng cả tấm lòng, bằng sự minh bạch trong môi trường kinh doanh”.
Cái quyết tâm của người đứng đầu cùng chính sách cải cách thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư đã như “chùm chìa khóa vàng” đưa Yên Bái lọt top 30-40 trong xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh, đang xứng đáng trên con đường hướng lên vị thế của Ngôi sao Tây Bắc khi so sánh với nhiều tỉnh trong vùng phải thường xuyên hứng chịu hậu quả thiên tai, lũ quét, sạt lở…
* Yên Bái đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tích, phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và Huân chương Hồ Chí Minh; 251 mẹ được phong tặng, truy tặng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 31 tập thể và 7 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng chục tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”; hàng ngàn tập thể, cá nhân được huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác – nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
* Yên Bái có 95% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% các xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; 100% các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ Internet. Yên Bái có hơn 55% số trường đạt chuẩn quốc gia, gần 78% số phòng học đạt tiêu chuẩn kiên cố. Đến nay, 100% địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên đến gần 99%; hơn 96% số dân tham gia bảo hiểm y tế. Tỉnh này đã đạt gần 33 giường bệnh/1 vạn dân và hơn 10 bác sĩ/1 vạn dân, cao hơn bình quân chung cả nước. Và nay tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Bái chỉ còn 7,56%.