Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế do UBND TPHCM tổ chức mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao đã nhận nhiều câu hỏi và chất vấn của phóng viên về trách nhiệm của Sở trong việc quản lý lĩnh vực phụ trách, bao gồm những sai phạm trong các cuộc thi sắc đẹp và show diễn thời trang vừa qua.
Ông Nguyễn Tấn Kiệt - Trưởng phòng Nghệ thuật (Sở VHTT) cho biết cuộc thi sắc đẹp diễn ra trên địa bàn thành phố mang tên Nam vương Hoàn vũ thế giới 2023, chưa đủ thủ tục. Vụ thứ hai là show diễn New Tradition (Truyền thống mới), cũng vi phạm và bị lập biên bản.
Đáng chú ý ở show diễn ngày 6/5, hàng loạt hình ảnh phản cảm đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Cộng đồng phản ứng dữ dội trước những hình ảnh người mẫu của show diễn đội nón quai thao, mặc áo yếm, áo dài cách điệu hở hang, phản cảm. Một số trang phục khác trong show diễn này cắt xẻ, tạo hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Điều rất đáng quan tâm là thời gian qua không ít nhà tạo mẫu, ban tổ chức các show diễn đã lợi dụng “tình yêu với tà áo dài” để tạo ra những trang phục hở hang của nhóm người mẫu. Không phủ nhận sự sáng tạo, nhưng cũng không thể nhân danh điều đó để gây sốc bằng cách khai thác hình thể một cách quá đáng. Có thể sáng tạo nhưng cốt lõi vẫn phải dựa trên nền tảng văn hóa.
Không chỉ áo dài, chiếc áo yếm truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa cũng bị “đẩy tới” khi hở cả bụng, cả sườn, cả lưng. Yếm vốn là áo bên trong, bên ngoài còn áo cánh, áo tứ thân. Nhưng nay trên sàn diễn thời trang lại “phơi” ra trước bàn dân thiên hạ. Người Việt vốn kín đáo, nên không thể nhân danh điều này điều nọ, dùng một nét trang phục truyền thống của dân tộc rồi làm biến dạng nó. Nhiều người cho rằng, đây không phải đứt gãy mà là tha hóa về văn hóa.
Vấn đề là vì sao những cách tân như vậy, những show diễn như vậy vẫn diễn ra? Chỉ đến khi dư luận phản ứng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, mới lập biên bản, xử phạt hành chính. Điều đó cho thấy sự thiếu nhanh nhạy, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa. Chính mức độ xử phạt cũng quá nhẹ, hầu như chỉ là “rút kinh nghiệm” nên sai phạm vẫn lặp đi lặp lại, không nơi này thì nơi khác. Như người ta nói, đó là “nhờn”, làm thì cứ làm, phạt tính sau, miễn là nổi tiếng và phục vụ được mục đích nào đó theo hợp đồng của những đơn vị tài trợ.
Còn trong trường hợp nhà quản lý đã kiểm duyệt và cho phép show diễn tiến hành thì chứng tỏ họ không bám sát các hoạt động của show diễn khi để cho chương trình “độn” một số tiết mục khác với khi xin giấy phép. Nếu không phải như vậy thì cơ quan quản lý thiếu năng lực.
Vấn đề ở đây là phải xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc đối với ban tổ chức show diễn cũng như với cơ quan quản lý văn hóa. Nếu như với ban tổ chức show diễn phải bị phạt nặng về mặt tài chính, cấm diễn một thời gian thì với những cán bộ cụ thể của cơ quan văn hóa được giao trách nhiệm nhưng để sai phạm xảy ra thì cũng phải nhận “án” kỷ luật.
Trước nay, cũng đã thấy một số ban tổ chức show diễn, người diễn bị phạt tiền khi vi phạm. Nhưng chưa thấy một vị cán bộ văn hóa nào không làm tròn nhiệm vụ bị xử lý. Phải chăng vì thế mà tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực biểu diễn vẫn diễn ra?