Ai phải chịu trách nhiệm?

Minh Thủy 27/08/2022 07:08

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, trong khi học sinh nhiều địa phương đã tựu trường vào năm học mới; Trung thu đang đến và kỳ nghỉ 4 ngày dịp Quốc khánh 2-9 cũng đã tới gần. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi nhắc lại ở nhiều tỉnh/thành còn thấp. Chính vì thế, ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 755 về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Trong nước, thời gian gần đây số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng...Trong khi đó tại một số nơi việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên còn thấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ: Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ. Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vaccine, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương không bảo đảm tiến độ.

Thông tin từ WHO ngày 26/8, cho biết dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; cùng đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Còn tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 26/8, thông tin từ Bộ Y tế cho biết số ca Covid-19 nặng tăng, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể phụ mới lây lan nhanh. Đáng chú ý, trong 3 ngày (từ 23 đến 25/8) đã ghi nhận hơn 10.000 ca Covid-19 mới, cao nhất trong khoảng 3,5 tháng qua. Còn trong 6 ngày, số F0 tăng liên tục.

Kể từ đầu dịch đến ngày 25/8/2022, cả nước ghi nhận 11.396.205 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu người có 114.865 ca nhiễm). Đáng chú ý, nhiều địa phương chủ quan trước tình hình dịch, bằng chứng là công tác tiêm vaccine rất chậm chạp.

Về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 10 ngày triển khai trên toàn quốc, vẫn còn 5 tỉnh/thành có tỷ lệ tiêm mũi 1 thấp dưới 64% là: Đà Nẵng (57,3%); Quảng Nam (53,3%); Bình Thuận (63,2%); TP Hồ Chí Minh (53,6%); Bình Dương (60,6%). Về tiêm mũi 2, có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ thấp dưới 36% là: Đà Nẵng (20,9%); Quảng Nam (19,1%); Khánh Hòa (35,5%); TPHCM (31,5%); Bình Dương (27,2%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, 5 tỉnh/thành có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp là: Phú Yên (14,8%); Bình Thuận (26,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (14,7%); Đồng Nai (22,7%); Bình Dương (22,7%).

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, 5 tỉnh/thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp là: Bình Định (56,8%); Khánh Hòa (55,2%); Đồng Nai (52,6%); Cần Thơ (56,9%); Bình Phước (57,5%). Với mũi 4, có 5 tỉnh/thành có tỷ lệ tiêm thấp là: Quảng Trị (52,9%); Đà Nẵng (45,3%); TPHCM (50,4%); Đồng Nai (52,1%); Tây Ninh (53,1%).

Nhìn vào những con số kể trên không thể không lo lắng về sự quay trở lại của dịch Covid-19, nếu như tiến độ tiêm vaccine không được đẩy nhanh.

Có nhiều lý do một số nơi, do nhận thức, người dân không muốn tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) và có tâm lý ngại cho con nhỏ tiêm vaccine. Điều đó cần sự tuyên truyền, giải thích tỉ mỉ để thay đổi nhận thức, cũng như tin tưởng vaccine chính là lá chắn an toàn nhất bảo vệ mỗi cá nhân và cộng đồng trước Covid-19. Tuy nhiên, cùng với ngành y tế, thì vai trò rất quan trọng trong việc này thuộc về chính quyền các cấp. Không ít lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số ca mắc mới tăng, số ca bệnh nặng tăng, thì đây chính là lúc cần phải buộc trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, từ thôn, xã/phường/thị trấn, huyện lên đến tỉnh/thành phố.

Nếu không sớm quy trách nhiệm thì tình hình khó thay đổi, vì sẽ lại đổ sang cho dân không muốn tiêm (!). Vì thế, địa phương nào tỷ lệ người tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp thì dứt khoát phải có người chịu trách nhiệm. Như thế mới là đúng lẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai phải chịu trách nhiệm?