Ai, tổ chức nào có quyền tiếp cận thông tin?

T.Dương 04/09/2015 07:35

Đó là vấn đề được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra khi cho ý kiến về Luật Tiếp cận thông tin hiện đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các bộ, ban, ngành.

VCCI cho rằng, một số quy định tại Dự thảo vẫn có tính chất hạn chế một cách bất hợp lý đối với quyền tiếp cận thông tin, một số quy định vẫn còn mang dáng dấp việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 4 Dự thảo thì chủ thể tiếp cận thông tin được xác định là cá nhân, điều này được hiểu là các tổ chức không được quyền tiếp cận thông tin theo quy định tại Luật này.

Điều này là chưa hợp lý, bởi trong các mối quan hệ pháp luật, doanh nghiệp đang được xác định là một chủ thể với các quyền và nghĩa vụ đầy đủ, tương tự như cá nhân. Tiếp cận thông tin đang được xem là một quyền trong mối quan hệ hành chính vì vậy, doanh nghiệp cần được xem là một chủ thể trong mối quan hệ này.

Theo VCCI, Nhà nước đang xem các tổ chức như: tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp là một trong những lực lượng phản biện xã hội. Nếu không xem đối tượng này là các chủ thể tiếp cận thông tin thì sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động phản biện xã hội.

“Thông tin đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Việc tiếp cận được các thông tin chính thống từ Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Nhà nước giúp hoạch định và quyết định các chiến lược kinh doanh, có quyền được bảo vệ các thông tin mang tính bí mật kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần có quyền tiếp cận thông tin và có cơ chế để đảm bảo thực hiện được quyền này”-VCCI chỉ rõ.

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhu cầu về thông tin của người dân vô cùng đa dạng, do đó Dự thảo không nên chia cắt các loại cơ quan được phép cung cấp thông tin. Vì vậy cần phải rà soát để đưa ra danh mục những loại thông tin được cung cấp để bớt mơ hồ đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với người dân.

Bày tỏ sự không hài lòng về Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật Thanh tra có quy định là toàn bộ các kết luận thanh tra phải được công khai nhưng ông với tư cách là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp phụ trách lĩnh vực phòng chống tham nhũng nhưng phải gửi 3 công văn mới có được một kết luận thanh tra.

“Vì sao lại thế, vì người ta đặt kết luận đó trong két còn khi mà đã đưa lên mạng thì cần gì tôi phải có công văn, tôi vào mạng tra số là ra ngay thôi”-ông Quyền bày tỏ.

Từ đó theo ông Quyền, nếu quy định cơ quan nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin như trong Luật sẽ đi vào những cái rất khó khăn. Vì vậy Luật này cần hướng dẫn cách thức cho người dân tiếp cận các nội dung đó thay vì đi theo hướng cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Bà Ngô Thị Thu Hà, Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho rằng, Dự thảo luật cần phải có một số điều chỉnh trong đó cần mở rộng chủ thể quyền tiếp cận thông tin, phải đảm bảo quyền con người, thể hiện trách nhiệm Nhà nước đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm bị hạn chế tự do tiếp cận.

Theo bà Hà, nhóm bị hạn chế tự do chưa có luật, và cũng chưa có quy định nào hạn chế quyền tiếp cận thông tin của nhóm này cho nên họ cũng cần được cung cấp thông tin để tự bào chữa, học hỏi tại nơi bị tạm giam, tạm giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai, tổ chức nào có quyền tiếp cận thông tin?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO