Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 14 tỉnh thành trên cả nước, hiện vẫn còn 30% trường học không có nhà vệ sinh, trong đó tỷ lệ nhà vệ sinh không đạt chuẩn chiếm khá nhiều.
Ảnh minh họa.
Vấn đề từng được báo chí phản ánh và chắc chắn trong ký ức thời học sinh của nhiều người vẫn còn ám ảnh về chuyện đi vệ sinh ở trường học. Nhưng dường như trong suy nghĩ người Việt chúng ta luôn coi nhà vệ sinh là “công trình phụ” nên ít ai để ý, thậm chí tại nhiều ngôi trường lớn ở những đô thị văn minh cũng vậy.
Trên thực tế nhà vệ sinh học đường là chuyện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm sinh lý, của học sinh. Theo TS.BS Chuyên Khoa II Nguyễn Đức Chính (Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - BV Việt Đức, Hà Nội), môi trường ẩm thấp của nhà vệ sinh có thể hình thành các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như vi khuẩn tả, thương hàn, phó thương hàn cùng các chủng khác của E.coli.
Đặc biệt, những vi khuẩn sống trong bồn cầu nhà vệ sinh cũng là một trong những nguồn gốc chủ yếu gây bệnh viêm não ở trẻ em. Đặc biệt, bệnh tay - chân - miệng với cơ chế lây lan qua nhiều đường khiến vấn đề nhà vệ sinh trường học lại càng trở nên nhạy cảm và đáng báo động. Học sinh có thể sẽ mắc phải các bệnh đường ruột như kiết lị, sỏi thận do nhịn tiểu quá lâu.
Nếu học sinh có khuynh hướng hạn chế uống nước để giảm cơn buồn tiểu, cơ thể sẽ bị giảm khả năng thải độc, gây mệt mỏi và suy nhược trí óc, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà vệ sinh trường học phải đảm bảo trung bình 100 học sinh/bồn cầu, 50 học sinh/mét dài hố tiêu và 100 học sinh/ vòi nước. Đặc biệt, ở các trường THCS trở lên phải có nhà tắm hoặc phòng thay đồ cho học sinh nữ. Thế nhưng, theo khảo sát, tại nhiều điểm trường ngay tại Hà Nội thì cũng rất ít nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu này.
Kinh sợ nhà vệ sinh là nỗi niềm chung, nhưng nỗi khổ của học sinh nữ tăng lên vạn lần bởi ở thời điểm cuối cấp 2 lên cấp 3 nhiều em đến tuổi dậy thì, nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh rất cao. Vậy mà mỗi lần vào nhà vệ sinh lại phải bịt mũi, nhắm mắt và chạy như bay ra ngoài.
Hỡi các cô, các thầy hiệu trưởng - những người được dùng riêng một nhà vệ sinh trong căn phòng khang trang của mình, mỗi lúc dạo quanh kiểm tra mọi hoạt động của nhà trường hãy dừng chân, thử bước vào để biết khu vệ sinh chung của học sinh trường mình có bao nhiêu mảng tường bị ố vàng, rêu xanh, mấy cái cửa bị thủng, bị bung móc khóa, thậm chí bị bật cả bản lề, khiến mỗi người sử dụng cứ giật mình thon thót.
Gương bị vỡ, vòi nước bị tắc hay giấy vệ sinh không có… để hiểu rằng là học sinh, nhưng các em cũng là con người, thậm chí hàng tháng bố mẹ các em đều phải đóng một khoản phí gọi là nước uống và vệ sinh thì tại sao con em họ lại phải sử dụng một dịch vụ tồi tệ đến thế? Các vị lãnh đạo nhà trường có ái ngại với khẩu hiệu Trường học thân thiện không?