Mùa hè với cái nóng hầm hập, người dân sống tại các đô thị lớn lại lo kẹt xe. Nhất là với TPHCM, nhiều năm qua người tham gia giao thông tại các khu vực nội thành không khác gì đi trong “ma trận” khi mà muốn thoát khỏi các điểm ùn tắc không hề dễ dàng. Tìm đúng nguyên nhân, xác định rõ giải pháp, đầu tư cho phương tiện giao thông công cộng, xử lý các “điểm đen” ùn tắc là vấn đề cấp thiết phải được đặt ra.
Tại hội thảo góp ý dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì tổ chức mới đây, hàng loạt vấn đề như quy định tuổi cấp giấy phép lái xe, quy tắc đi lại trên đường cao tốc... được đưa ra bàn bạc. Trong đó, kẹt xe vẫn luôn là chuyện nóng.
Hạ tầng giao thông quá tải
Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM, cần xem xét lại định nghĩa “ùn tắc giao thông đường bộ”. Cụ thể, dự thảo định nghĩa điều này là tình trạng phương tiện tham gia giao thông bị dồn ứ, di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được.
Ông Quới cho rằng, định nghĩa này chưa phù hợp đặc thù các đô thị lớn có mật độ xe cộ dày đặc như TPHCM, Hà Nội… nên cần điều chỉnh. “Chúng tôi đề xuất điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế, chỉ nên để ùn tắc giao thông xe cộ không thể di chuyển được” - ông Quới nói.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng “không di chuyển được” mới gọi là ùn tắc, vậy thì khi xe nhúc nhích được (1 tiếng đồng hồ nhúc nhích được vài trăm mét) thì không gọi là ùn tắc giao thông sao?
Tại báo cáo kết quả công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông năm 2024 và kế hoạch thực hiện trong năm 2024, Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng nêu việc ùn ứ giao thông các điểm kẹt xe như một vấn đề nóng. Năm 2023, với 24 điểm có nguy cơ ùn tắc ở TPHCM thì có 4 điểm chuyển biến tốt, 12 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông vẫn phức tạp, 8 điểm không chuyển biến. Tổng cả năm tại 24 điểm này có 4.469 vụ ùn ứ giao thông.
Trong 8 điểm ùn tắc nhưng không chuyển biến, thì đứng đầu “bảng xếp hạng” phải kể đến là đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), 978 vụ. Thứ hai là giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) 972 vụ. Tiếp sau là Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh), 787 vụ. Đường Trường Chinh đoạn từ Âu Cơ đến đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình), 724 vụ. Nút giao An Phú (Thủ Đức), 447 vụ. Đường Dương Bá Trạc - khu vực cầu Kênh Xáng (quận 8), 350 vụ. Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), 201 vụ. Đường Nguyễn Thị Định từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái (Thủ Đức), 158 vụ.
Trong khi đó, xe cá nhân tại TPHCM hiện có 9,2 triệu phương tiện (934.436 xe ô tô và gần 8,3 triệu xe máy), khiến kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải, dẫn tới kẹt xe thường xuyên. Mật độ đường giao thông trên địa bàn TPHCM là 2,34 km/km2 (theo quy định phải đạt 10 - 13,3 km/km2); diện tích đất dành cho giao thông đạt 13,04% (theo quy định phải đạt 24%).
Để giải quyết căn cơ nạn ùn tắc, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, đã và đang triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối giao thông liên vùng (đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy, hàng hải, cảng biển). Trong đó có các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng cấp, mở rộng 2 tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Đẩy nhanh hoàn thành 8 tuyến metro theo quy hoạch, đồng thời nghiên cứu kéo dài Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thêm 53km kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Rà soát, nghiên cứu để thống nhất các giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông, như: cấm đỗ xe, cấm dừng xe và đỗ xe trên một số đoạn đường; điều tiết giao thông bằng đèn tín hiệu giao thông theo từng thời điểm trong ngày; tổ chức cấm ô tô quay đầu xe hoặc cấm rẽ trái vào giờ cao điểm tại một số giao lộ; rà soát bố trí hợp lý các khoảng mở dải phân cách trên tuyến...
“Thủ phạm” phải chăng là xe máy?
15 năm qua, TPHCM đã tổ chức nhiều hội thảo tìm cách “giải cứu” những tuyến đường nội đô khỏi ùn tắc. Đã nhiều lần người ta tính đến chuyện cấm xe máy. Tuy nhiên, một câu hỏi được đưa ra: Dừng hoạt động xe máy thì người dân di chuyển bằng phương tiện gì?
Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, chúng ta cứ đi vào vòng luẩn quẩn bao giờ đủ giao thông công cộng hẵng nói chuyện hạn chế và dừng hẳn xe máy. Câu trả lời là không bao giờ. Bởi có người mua vé, người đầu tư xe buýt đâu mà đủ đáp ứng giao thông công cộng. Vì thế, không nên bàn chuyện cấm xe máy như một giải pháp giải tỏa ùn tắc giao thông.
Nêu ý kiến tại hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và giải pháp”, một số chuyên gia giao thông cho biết đã tham gia rất nhiều buổi họp bàn hạn chế xe cá nhân nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được thực hiện, còn xe máy vẫn tăng lên từng ngày.
Khảo sát cho thấy, TPHCM có 910 xe máy trên 1.000 dân - tỷ lệ cao nhất thế giới. Con số này ở Hà Nội là 653; Bangkok (Thái Lan) 265; Jakarta (Indonesia) 160; New Delhi (Ấn Độ) 175… Từ đó, một số ý kiến cho rằng xe máy chính là “thủ phạm” gây ra nạn kẹt xe.
Việc xác định “thủ phạm” gây ra nạn kẹt xe chưa ngã ngũ, thì cũng lại có ý kiến vậy ô tô cá nhân thì sao, trong khi phương tiện này ở TPHCM tăng lên từng ngày và sẽ còn tiếp tục tăng. Tính trung bình khi lưu thông trên đường, 1 chiếc ô tô (4 chỗ) cũng đã chiếm diện tích tương đương 4 chiếc xe máy. Chưa nói khi nó dừng đỗ hoặc quay đầu thì khả năng dẫn tới ùn tắc là rất lớn.
Trở lại với chiếc xe máy. Đầu tháng 4/2024, dựa trên dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, lấy tổng số người dùng/chủ sở hữu xe máy chia cho dân số của từng nước, Seasia Stats - công ty thống kê về các nước Đông Nam Á cho biết, hiện Việt Nam có tỷ lệ người dùng xe máy cao nhất (72,8%) trong khu vực. Nước có tỷ lệ sử dụng xe máy cao thứ 2 ở Đông Nam Á là Brunei (67,2%), kế đến lần lượt là Malaysia (45,2%), Indonesia (45,1%), Thái Lan (30,6%), Campuchia (30%), Lào (23,7%), Myanmar (11,4%), Philippines (6,6%), Timor Leste (4,8%), và Singapore (2,4%).
Còn theo thống kê của World Atlas, Việt Nam là nước xếp thứ 2 thế giới về tỷ lệ hộ gia đình dùng xe máy (86%), chỉ sau Thái Lan (87%). Trong khi đó, theo trang Motorcycle Data, ngành công nghiệp xe máy của ASEAN vẫn tăng trưởng mạnh, ở mức 7%/năm, nhanh nhất thế giới.
Nhìn vào những con số kể trên, thì biện pháp cấm xe máy để chống kẹt xe là khó khả thi vì đây vẫn là phương tiện đi lại chính của đại bộ phận người dân.
Giải pháp là gì?
Con số ước tính của Sở Giao thông vận tải TPHCM, với tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay, thiệt hại khoảng 6 tỷ USD/năm (khoảng 140.000 tỷ đồng).
Nếu như đề xuất cấm xe máy khó thực hiện (cho đến năm 2030), thì trước hết phải tập trung đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng và tăng cường phương tiện vận tải công cộng. Đường trong nội đô khó có thể mở rộng, nhưng cũng có thể khắc phục bằng cách xây cầu vượt, như một giải pháp tình thế. Quan trọng hơn là phải giãn dân nội thành, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, hoàn chỉnh ngay tại các khu đô thị mới.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn thay đổi thói quen thay vì sử dụng phương tiện giao thông cá nhân bằng xe buýt thì chính quyền cần trợ giá cho hoạt động này. Xe buýt không nên chỉ coi là phương tiện đi lại của người nghèo, người già, sinh viên... mà phải nâng cấp để tầng lớp trung lưu cũng chọn dùng.
Bên cạnh đó, việc nhanh chóng phát triển đường sắt trên cao, đường thủy nội địa... cũng phải được coi là trọng tâm. Khi có nhiều loại hình giao thông phát huy hiệu quả, thì đương nhiên sẽ giảm bớt lượng ô tô, xe máy cá nhân lưu thông trên đường. Và từ đó nạn ùn ứ, kẹt xe sẽ không còn ám ảnh như suốt những năm qua.
TPHCM sẽ khởi công lần lượt 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) vào cuối năm 2025, đầu năm 2026. Dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 44.592 tỷ đồng. Cụ thể, gồm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến giáp ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Theo UBND TPHCM, nhu cầu vốn giai đoạn 2023-2025 khoảng 8.143 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị dự án, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng công trình. Giai đoạn 2026-2030 nhu cầu vốn gần 36.449 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố khoảng 16.702 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư theo hợp đồng BOT khoảng 19.747 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thành phố sẽ tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong quý II và III/2024; tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án, tổng hợp báo cáo kết quả trong quý IV/2024; hoàn thành lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án trong quý I và II/2025. Giai đoạn thực hiện đầu tư, thành phố sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án trong quý III/2025, qua đó triển khai thực hiện hợp đồng dự án từ năm 2025 - 2028. Các công trình dự kiến khởi công Xây dựng từ quý IV/2025 và quý I/2026.