Lớp học “nội trú” đặc biệt, với 5 trẻ mầm non đến từ thôn vùng cao xa xôi của xã biên giới Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được các cô đưa về chăm nuôi ăn học cả tuần…
Một buổi chiều đông, theo chân 2 cô giáo Trường mầm non Trịnh Tường lên núi thăm cậu học trò nhỏ Lý Chàng Tìn (4 tuổi), nhà ở thôn Tùng Chỉn 2 bị ốm mấy ngày liền không ra lớp.
“Hôm trước định đi nhưng trời mưa đành chịu, vì cách 10 cây số mà một nửa đường đất, gặp mưa không xe nào qua nổi”, Hiệu phó Trần Thị Diệu Linh chia sẻ.
Con đường lên Tùng Chỉn 2 toàn ngược dốc, mỗi người trong đoàn phụ trách một chiếc xe máy, không ai chở được ai.
Nắng chiều chênh chếch, xe máy chúng tôi ì ì leo mỗi lúc một lên cao, hết đường bê tông đến đường đất nhọc nhằn, thấy mặt trời le lói dưới con dốc trước mặt mà đi mãi vẫn chưa tới đích.
Đến đoạn dốc đứng, gặp một người đàn ông lùa trâu đi ăn về qua thì cả mấy xe lần lượt ngã “chổng vó”.
“Đi đúng vào vệt nước đái trâu rồi, đang leo dốc bon bon, khổ thế”, cô Nguyễn Thị Thảo cùng đoàn kêu than khiến chúng tôi cười nắc nẻ, xong lập tức lại phải bấm bụng dựng xe, giữ phanh cho khỏi tụt dốc rồi vừa ga vừa đẩy ngược lên phía trước, có muốn ngồi trên xe cũng không được nữa.
Qua mấy con dốc như thế mới đến trung tâm thôn, lác đác mấy chỏm nhà, nhà nào nhà ấy tối om om vì thôn chưa có điện.
Cô Thảo tung tăng đi trước, gặp ai cũng bắt chuyện, hỏi Trưởng thôn nhà dạo này nuôi nhiều gà không, hỏi lão Tả chịu bỏ rượu đi làm nương giúp vợ chưa hay vẫn suốt ngày say xỉn…
“10 năm trước mình đã ở trên này, cắm bản 2 năm nên quen hết. Hôm trước gặp đứa học sinh từ khóa đầu tiên mình dạy đã lên cấp 3 vào nội trú huyện, nó chào mà không nhận ra”, cô Thảo khoe.
Vào nhà Lý Chàng Tìn, có hai bố con ở nhà, thằng bé ốm ho rũ rượi, các cô khoác cho thêm chiếc áo, dặn dò anh Lý Láo Lở nhớ xin thuốc, mặc ấm cho con, bắt nó đi dép chứ không được cất giữ trong ba lô cho mới làm gì, cuối tuần thằng bé đỡ thì lại đưa xuống các cô chăm.
“Các cô nói phụ huynh họ nghe hết đấy, ở đây 100% người Dao, nghèo khó thật nhưng nhận thức rất tốt, nhất là trong việc cho con cái học hành, có điều đường xa quá chỉ tội bọn trẻ”, cô Linh thở dài.
Xưa kia ở Tùng Chỉn 2 cũng có điểm trường mầm non, nhưng dần dà nhà nhà sinh đẻ kế hoạch, trẻ con cũng ít đi, điểm trường không thể duy trì vì giáo viên phải ưu tiên tăng cường cho điểm khác. Không để bọn trẻ mất cơ hội đến lớp, nhà trường quyết định đưa tất cả trẻ mầm non của Tùng Chỉn 2 về trường chính. Đường xa đặc cách cho ở “nội trú”, mỗi tuần phụ huynh xuống đón một lần.
Khi được hỏi gửi con cho các cô có yên tâm không, anh Lở thẳng thắn trả lời “không!”, vì lý do “sợ phiền các cô quá”.
“Cho con đi học hơn ở nhà nhiều chứ, sạch sẽ hơn, học được nhiều tiếng phổ thông. Ở nhà thì mình cũng chẳng có thời gian chăm, bố mẹ đi nương cả ngày, trẻ con bỏ mặc tự chơi với nhau, cơm nguội có, lúc nào đói thì tự mò ăn”, anh Lở tâm sự.
“Đi học chúng nó còn béo trắng ra, còn có thịt ăn, có sữa uống, chứ ở nhà toàn cơm không. Cứ cuối tuần về thứ 2 xuống lại nhếch nha nhếch nhác”, cô Thảo trách khéo làm anh Lở chỉ biết cười.
Không có thời gian trò chuyện nhiều, thăm bé Tìn xong chúng tôi vội vàng xuống núi kẻo trời tối là không về được nữa. Hai con dốc khó nhất phải nhờ Trưởng thôn và bố Tìn đưa đường.
Về tới trường trời cũng nhá nhem, cô Trần Thị Ngọc được phân công trực tiếp chăm nuôi 5 trẻ “nội trú” của tuần đang cho bọn trẻ rửa ráy để chuẩn bị ăn tối. Vắng Tìn, cả nhóm còn 4 thành viên, ngoan như cún con, các cô bảo gì nghe nấy. Đặc biệt, vệ sinh cá nhân bọn trẻ tự làm hết, khác hẳn trẻ em ngoài thành phố.
Bữa cơm đơn giản nhưng đủ dinh dưỡng, với thức ăn là thịt, đậu phụ sốt cùng cà chua. Ngồi ngắm bọn trẻ ăn ngon lành, cô Ngọc mỉm cười hạnh phúc, nói:
“Nhà nước chỉ hỗ trợ ăn bán trú buổi trưa, còn 5 trẻ nội trú phải bù thêm bữa sáng, bữa tối, thêm quà vặt và quần áo nên phụ huynh có tiền góp tiền, không thì góp rau, góp gạo, còn lại mỗi cô chung tay một ít và vận động thêm”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, lớp mầm non “nội trú” ở Trịnh Tường là trường hợp đặc biệt, góp phần quyết định giúp nâng tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp của xã lên mức tuyệt đối là 100%, trong khi nhiệm vụ này đối với giáo dục vùng cao vốn dĩ không hề dễ dàng.
“Đưa các con ra trường chính chắc chắn môi trường học tập tốt hơn, nhưng các cô cũng phải hy sinh nhiều hơn. Phòng luôn ghi nhận, chia sẻ điều đó và thường xuyên động viên các cô vượt qua những khó khăn phát sinh chính từ đặc thù của giáo dục vùng cao”, bà Ngọc Anh cho biết.