Hy Lạp đã hoàn tất việc trục xuất và di chuyển hơn 200 người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, đợt trục xuất đầu tiên sau khi thỏa thuận mà Liên minh châu Âu (EU) ký kết với chính quyền Ankara được thực thi bắt đầu từ hôm đầu tuần này. Từ đây, một viễn cảnh ảm đạm lại bắt đầu trỗi dậy.
Người di cư lặng lẽ rời khỏi các đảo của Hy Lạp để đến Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: LAtimes).
Ra đi trong ảm đạm
Khung cảnh 202 người di cư trật tự lên 3 chuyến phà của Thổ Nhì Kỳ dường như tương phản hoàn toàn với hành trình vượt biển Địa Trung Hải đầy rẫy nguy hiểm mà rất nhiều người di cư từng phải trải qua trên con đường tiến tới châu Âu. 2 trong số các chuyến phà này đã rời khỏi đảo Lesbos của Hy Lạp, trong khi chuyến còn lại rời khỏi đảo Chios, mang theo đa phần người di cư đến từ Afghanistan và Pakistan - những người mà cuối cùng cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất về quốc gia của họ.
Người dân trên 2 hòn đảo này, vào rạng sáng hôm 5/4, đã chứng kiến dòng người di cư với khuôn mặt ảm đạm nối đuôi nhau lên các con thuyền được canh gác cẩn thận bởi lực lượng an ninh đến từ cơ quan quản lý biên giới của EU - Frontex.
Kế hoạch thực thi được triển khai trong bối cảnh EU phải đương đầu với làn sóng người di cư khổng lồ tiến đến lục địa của họ, buộc họ phải sử dụng biện pháp cuối cùng là một thỏa thuận với Ankara, trong đó buộc tất cả những người di cư đến Hy Lạp sau ngày 20-3 vừa qua phải trở về Thổ Nhĩ Kỳ
Trong thỏa thuận bị chỉ trích nặng nề này, EU đã cam kết sẽ cung cấp chỗ ở cho 1 người Syria đối với mỗi 1 người bị trục xuất từ Hy Lạp, với số lượng có thể lên tới 72.000 người. Đợt đầu tiên mà EU phải lo nhà ở là 32 người Syria thuộc diện tìm kiếm tị nạn, họ được chuyển tới thành phố Hanover của Đức trong hôm 5/4 như một phần của thỏa thuận trên.
Giới lãnh đạo châu Âu hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ khuyến khích người di cư không liều mạng để vượt biển Aegea đến châu Âu - cung đường hàng hải đã cướp đi sinh mạng của 366 người tính từ đầu năm đến nay - và phá vỡ mạng lưới vận chuyển người di cư trái phép đến châu Âu.
Nhưng thỏa thuận này lại bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích nặng nề vì vi phạm quyền được xin tị nạn của con người. Rất nhiều nhóm người đã tổ chức biểu tình trong hôm 5/4 trên đảo Lebos, giơ cao các khẩu hiệu: “Ngừng thỏa thuận bẩn thỉu”, “Ngừng trục xuất” và “Hãy thức tỉnh châu Âu”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế còn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện không phải một quốc gia an toàn đối với người di cư, bởi nước này ép buộc người dân Syria trở về nước - nơi đang bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.
Người di cư sẽ bị trục xuất về nước
Người di cư đầu tiên bị trục xuất khỏi Hy Lạp đã đặt trên đến khu nghỉ dưỡng Dikili của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 5/4, và từ đó được canh gác hết sức nghiêm ngặt.
Yorgos Kyritsis, người phát ngôn Cơ quan xử lý người di cư của Hy Lạp, cho hay đợt trục xuất đầu tiên gồm các công dân của Iran, Congo, Sri Lanka, Bangladesh, Ấn Độ, Bờ biển Ngà và Somalia. Chỉ có 2 người là đến từ Syria và họ đã đưa ra yêu cầu được trở về nước vì các lý do cá nhân.
Trong khi Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkir cho hay, những người di cư không đến từ Syria sẽ được chuyển đến Kirklareli để kiểm tra trước khi bị trục xuất về quê hương của họ.
“Những người di cư chỉ với mục đích kinh tế thông thường sẽ bị gửi trả về nước theo đúng quy định” - vị quan chức này nói - “Chúng tôi sẽ thông báo với các nước có người di cư trái phép. Họ có thể làm khách ở đây trong một thời gian và sau đó chúng tôi sẽ gửi dần họ về nước”.
Vẫn là cuộc khủng hoảng
Bất chấp các chỉ trích nặng nề mà thỏa thuận trên hứng chịu, dường như nó đã giúp giảm được dòng người di cư đến châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala nói rằn, cuối tuần trước, số lượng người vượt biển đến nước họ đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 300 người/ngày.
Tuy nhiên, vẫn có những người di cư vẫn cố băng qua tuyến đường biển nguy hiểm này, bất chấp thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, những người di cư ở Hy Lạp thì đổ xô đi nộp đơn xin tị nạn để tránh việc bị trục xuất. Còn chính quyền Hy Lạp thì chỉ muốn giảm gánh nặng của họ khi phải lo chỗ ở tạm cho quá nhiều người di cư ở khu vực biên giới và cảng Piraeus, nơi vẫn còn trên 15.000 người di cư sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Nhưng hào hứng với thỏa thuận này nhất có lẽ phải kể đến Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi quốc gia của bà đã phải tiếp nhận số lượng người di cư kỷ lục lên tới 1,1 triệu người hồi năm ngoái. Đổi lại việc hỗ trợ xử lý dòng người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được hàng tỷ Euro từ EU, được miễn thị thực cho công dân nước họ và thúc đẩy tiến trình gia nhập EU.