Ngày 16/3, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thống về chuẩn mực văn hóa ứng xử”. Vấn đề mang cơm đến cơ quan nấu để tiết kiệm điện có được coi là hành vi “tham nhũng vặt” được xác định trong đề án văn hóa công vụ?
Quảng cảnh buổi hội thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội thảo.
Nhìn lại chính mình trước sự biến đổi của xã hội
PGS TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia đã đưa ra một thực tế về văn hóa dân tộc để nói lên văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội. Theo đó, tâm lý người dân thường tin vào số phận thiên nhiên, thời tiết trong sản xuất nên thường chán nản khi gặp khó khăn, sản xuất chỉ trông vào trời đất nên thiếu tính nghiên cứu, khoa học trong sản xuất, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính mà thiếu cơ sở nghiên cứu khoa học.
Theo ông Sơn, chính những thói quen xấu đó đã hình thành lên những thói hư danh ảo tưởng đã dẫn đến các ứng xử trong đời sống xã hội đó là thói giấu nghèo, kiêu căng trong xã hội, trọng danh. Theo khảo sát thấy rằng khoảng 60% công nhân mong muốn con cái của họ trở thành trí thức, và chỉ số ít mong con theo nghiệp của mình. Tuy nhiên đi liền với hư danh chính là háo danh nên mới có nạn mua danh, điển hình là việc mua bằng cấp, bằng giả. Do đó mỗi cá nhân phải nhìn nhận lại mình trong văn hóa ứng xử trước sự biến đổi của xã hội, nghề nghiệp và sự phân hóa giàu nghèo đang gia tăng.
Đề cập đến văn hóa ứng cử của công chức viên chức trong quá trình thực thi công vụ, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án về văn hóa công vụ, và đây chính là nguyên tắc của công chức.
Theo ông Cường, trong xây dựng văn hóa công vụ thì hiện tại các cơ quan và các địa phương đã ban hành quy tắc ứng xử tại các cơ quan về văn hóa công sở, xây dựng nền kỷ cương hành chính, nhận thức đúng với xã hội, có ý thức làm việc tốt, tận tụy với công việc và nhân dân, tạo ra nhiều giá trị mới, xây dựng văn hóa con người Việt Nam coi là nhân tố quan trọng xây dựng hệ thống chính trị, trong đó là đội ngũ cán bộ công chức phục vụ nhân dân, thượng tôn pháp luật, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và tự do công dân.
Tuy nhiên trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng có cán bộ công chức, viên chức thiếu rèn luyện trong đạo đức, trong giao tiếp, thân thiện với đồng nghiệp, hòa nhã với nhân dân, một số cán bộ còn cóhàng động côn đồ đánh người ở nơi nơi công cộng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ công chức trong đời sống xã hội, quy trình giải quyết công việc còn kéo dài.
“Hạn chế trên do nhiều nguyên nhân song phần lớn do lãnh đạo, người đứng đầu của một số cơ quan chưa nghiêm túc, gương mẫu,việc thực hiện đôi khi còn mang tính đối phó, công tác kiểm tra chưa thành nền nếp chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội”, ông Cường nhìn nhận.
Đề cập đến chuẩn mức đạo đức của cán bộ công chức viên chức chính là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuy nhiên ông Cường cho rằng, để đẩy mạnh về văn hóa ứng xử của công chức, viên chức rất cần sự tuyên truyền mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông.
Thời gian qua, báo chí đã có những phản ánh về các hành vi lợi dụng chức năng trong thi hành công vụ để nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Ngay sau khi báo chí phản ánh, nhiều cơ quan, đơn vị đã thiết lập đường dây nóng để nhân dân có thể phản ánh nhằm nâng cao chất lượng hài lòng của người dân. Do đó nếu đẩy mạnh việc thực hiện đề án văn hóa công vụ sẽ góp phần nâng cao công tác phòng chống tham nhũng, cũng như chuẩn mực giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức, viên chức.
“Bên cạnh việc đào tạo, tập huấn, tăng cường kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm hành vi vi phạm thì rất cần sự đóng góp của báo chí để ngăn chặn tham nhũng vặt”, ông Cường nói, từ đó đặt ra vấn đề: Như đi làm thì ăn cắp thời gian cũng là tham nhũng vặt, mang cơm đến cơ quan nấu để ăn cũng là tham nhũng vặt vì đó là hành vi dùng điện của cơ quan. Vậy công chức có được làm như thế hay không?.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, và nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.
Chuẩn mực văn hóa ứng xử là gì?
Nhắc đến tình trạng xả rác bừa bãi, hái hoa hái lộc tại các sự kiện lớn, hút thuốc nơi công cộng, chặt chém du khách đang làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam và công dân Thủ đô, Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Thùy, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội cho rằng, rất cần vai trò của báo chí trong tuyên truyền quy tắc xứng xử tại nơi công cộng để có thể thay đổi được hành vi của người dân, xây dựng ý thức, lối sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Từ phản ánh của báo chí nhiều nơi đã lập tổ tự quản tham gia giao thông an toàn, tránh những va chạm không đáng có, đồng thời tránh việc hống hách cửa quyền tại các bộ phận cán bộ tiếp xúc với người dân, qua đó giúp người dân cảm thấy yên tâm hơn khi đến cơ quan công quyền làm việc, không sợ bị sách nhiễu như trước đây.
Ở góc độ quản lý giáo dục, từ những vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian qua của ngành giáo dục, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng, hầu hết các trường đều chưa ban hành quy định ứng xử của các thành viên, nhưng văn hóa ứng xử của hầu hết các nhà giáo là đều có phẩm chất tốt, yêu nghề. Còn phần lớn học sinh đều kính trọng lễ phép với ông bà, vươn tới các giá trị chân thiện mỹ. Tuy nhiên thực tế cá biệt vẫn còn một số bất cập chưa chuẩn mực, còn lệch chuẩn, bạo lực học đường xảy ra ở một số nơi. Đó chính là do người thầy giáo thiếu tu dưỡng rèn luyện, còn học sinh bị lôi kéo.
Để ngăn chặn tình trạng trên, bà Nghĩa cho biết, Bộ Giáo dục và đào tạo đã tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng văn hóa ứng xử để tạo sự chuẩn biến căn bản của cán bộ nhân viên, xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nghĩa tình sáng tạo, xây dựng quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục đào tạo để cụ thể hóa, phù hợp với văn hóa vùng miền và cơ sở giáo dục, xây dựng mối quan hệ thân thiết, giá trị cốt lõi trung thực, hoàn thiện thông tư về quy tắc ứng xử, trong đó yêu cầu bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục.
“Nhưng để quy tắc đi vào cuộc sống cần tuyên truyền mạnh mẽ của báo chí để nâng cao nhận thức của các nhà giáo trong xây dựng quy tắc ứng xử, giáo dục đạo đức lối sống, tính nêu gương, gương mẫu của nhà giáo trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử, đổi mới nội dung hình thức cho các em học sinh, sinh viên, nâng cao năng lực ứng xử cho đội ngũ nhà giáo để làm gương cho các em học sinh trong thực hiện quy tắc ứng xử”, bà Nghĩa cho hay.
Đề cập đến văn hoá học đường, GS TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, giáo dục phải là một điểm sáng để góp phần xây dựng văn hoá ứng xử, chuẩn mực mới cho lớp trẻ nói riêng và người dân nói chung. Với vai trò Tổng chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, và nhi đồng của Quốc hội, chúng ta nói đến “lệch chuẩn văn hóa ứng xử” vậy “chuẩn mực văn hóa ứng xử là gì”?, chúng ta phải có “chuẩn” thì mới nói được “lệch chuẩn”, chúng ta trách báo chí tuyên truyền có những cái chưa đúng mực trong văn hóa, vậy chúng ta phải xây dựng được chuẩn mực văn hóa thì mới nói được chưa đúng mực là như thế nào?.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuẩn mực cũ tưởng chừng lạc hậu muốn bỏ nhưng chuẩn mực mới lại chưa có khi chúng ta chưa chỉ ra chuẩn mực đó là cái gì?. Do đó cần phải xây dựng được chuẩn mực về văn hóa gồm những tiêu chí cụ thể nào?. Còn báo chí thì đẩy mạnh phát huy những chuyên mục như người tốt việc tốt, người tử tế nhưng khổ nỗi những mảng đó lại ít người đọc hơn những mảng tiêu cực.
“Do vậy phải nhanh chóng nghiên cứu ban hành các chuẩn mực văn hóa cụ thể, chứ nói chung chung, giải quyết chung chung thì tốn tiền lắm, hãy thiết thực đi, đo đếm hẳn hoi, vì làm gì cũng phải có chuyên môn sâu, bằng tâm khảm chứ đừng vì lợi ích danh hão”, ông Chức nói.