Ấn Độ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa Agni-V trong hôm 18/1, Bộ Quốc phòng nước này cho hay.
Mẫu tên lửa Agni-V của Ấn Độ. (Nguồn: CNN).
Tên lửa Agni-V, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, hiện là mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hiện đại nhất của Ấn Độ. Nó được phóng thử nghiệm trong sáng hôm 18/1 trên đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển thuộc bang Odisha, Ấn Độ.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã gọi vụ thử này là một bước tiến lớn trong khả năng phòng thủ quốc gia. Ấn Độ được cho là sở hữu khoảng 120-130 đầu đạn hạt nhân. Afni-V đã được đem ra thử nghiệm 5 lần kể từ năm 2012 đến nay, và lần gần đây nhất là vào tháng 12/2016, tuy nhiên vụ thử lần đó không nhận được sự chú ý của Trung Quốc và Pakistan, 2 bên đang có tranh chấp với Ấn Độ.
Đại diện Bộ Chỉ huy Lực lượng Chiến lược (SFC), đơn vị được Ấn Độ lập ra năm 2003 để quản lý kho vũ khí hạt nhân của nước này, nói rằng sẽ tiến hành thêm một vài vụ thử nữa trước khi tên lửa Agni-V được đưa vào sản xuất với số lượng thích hợp.
Trong khi vụ thử hôm thứ Năm vừa qua chủ yếu mang ý nghĩa về bước tiến công nghệ, nhưng nó cũng có thể gây ra ảnh hưởng về địa chính trị. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đã suy giảm trong năm 2017 sau tranh chấp biên giới ở khu vực Doklam, gần Himalaya.
Thời điểm của vụ thử nghiệm này cũng được giới quan sát nhận định là khá nhạy cảm, trong lúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang có chuyến thăm Ấn Độ và cũng trùng với một cuộc hội thảo địa chính trị quan trọng đang được tổ chức ở nước này: Đối thoại Raisina 2018.
Được biết Ấn Độ, bên cạnh Pakistan và Triều Tiên, nằm trong số 13 quốc gia không tham gia ký kết vào Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện. Các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đều nằm trong số các quốc gia phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong năm 2017.