Ấn Độ trước cơ hội bứt phá

Thanh Đức 21/02/2023 06:58

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã thiết lập kế hoạch "PM Gati Shakti" (Sức mạnh của tốc độ) với hy vọng cải thiện các dự án cơ sở hạ tầng thông qua công nghệ để các công ty toàn cầu chọn làm trung tâm sản xuất quốc tế. Giới quan sát quốc tế cho rằng, Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực nắm bắt các cơ hội để phát triển kinh tế đất nước.

Jaipur (bang Rajasthan) còn được gọi là “Thành phố màu hồng” thu hút du khách đến với Ấn Độ. Nguồn: CNTRAVELLER.

Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2014 đến nay, Thủ tướng Modi đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch "Make in India" (sản xuất tại Ấn Độ), trong đó hướng tới các ngành sản xuất chính như điện tử, ô tô, y tế, máy móc hạng nặng, điện năng, năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may. Việc này đã mang lại những kết quả khả quan cho Ấn Độ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6% vào năm 2023, so với dự báo 2,7% của kinh tế toàn cầu.

Còn theo Ngân hàng Morgan Stanley, trong năm 2023, Ấn Độ sẽ trở thành 1 trong 3 nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (Anh) dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 10.000 tỷ USD vào năm nay.

Trên thực tế, Ấn Độ đang có nhiều lợi thế về tăng trưởng, dân số và thị trường để trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đặt dây chuyền sản xuất ở đây. Tờ Financial Times dẫn số liệu từ Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley nhận định Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật và Đức vào năm 2027 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết, tổng tài sản của 100 người giàu nhất Ấn Độ đã chạm mốc 800 tỷ USD trong năm 2022. Trong số này, người tăng mạnh nhất là tỷ phú Gautam Adani. Sau khi tăng gần 3 lần vào năm 2021, khối tài sản ròng của ông Adani trong năm 2022 tiếp tục tăng gấp đôi lên 150 tỷ USD và đưa ông lên vị trí số 1 Ấn Độ.

Nhìn rộng ra, trong 10 năm trở lại đây, Ấn Độ đã đạt được tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất thế giới với mức trung bình hàng năm là 5,5%. Theo Morgan Stanley, GDP của Ấn Độ thậm chí có thể tăng hơn gấp đôi, từ 3.500 tỷ USD hiện nay lên 7.500 tỷ USD vào năm 2031.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng phải vượt qua nhiều khó khăn để bứt phá phát triển kinh tế. Trong đó, việc tốc độ phát triển đô thị hóa quá nhanh giữa lúc nước này đang chỉ là một nền kinh tế mới nổi sẽ đưa tới nhiều thách thức về mặt xã hội. Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Ấn Độ cần phải chi khoảng 840 tỷ USD để hiện đại hóa đất nước trong 10 năm tới. Đó là một con số khổng lồ. Trong lúc 40% dân số của quốc gia này, tương đương khoảng 600 triệu người, sẽ sống tập trung ở các siêu đô thị vào năm 2027; điều đó chắc chắn sẽ tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị vốn đã quá tải của các thành phố.

Theo chuyên gia Chetan Ahya thuộc Ngân hàng Morgan Stanley - Chi nhánh châu Á, thách thức phát triển của Ấn Độ trong vai trò đầu tàu mới của kinh tế thế giới, chính là việc họ không bỏ lỡ thời cơ, phải vượt qua chính bản thân mình. “Những dòng vốn đầu tư nước ngoài có mạnh mẽ đến mấy nhưng nếu không sử dụng hiệu quả thì cũng sẽ khiến tốc độ phát triển chậm lại. Đồng thời, tốc độ đô thị hóa quá nhanh sẽ càng khiến phát sinh nhiều vấn đề kinh tế, xã hội ở những vùng nông thôn rộng lớn” - chuyên gia Chetan Ahya nhận xét.

Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi tin tưởng sâu sắc rằng Ấn Độ không chỉ phát triển nhanh mà còn phát triển theo chiều sâu. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội Giáo dục toàn Ấn Độ về thực hiện Chính sách giáo dục quốc gia (NEP), ông Modi nhấn mạnh: "Tiền đề cơ bản của chính sách giáo dục quốc gia là đưa giáo dục thoát khỏi tư duy hạn hẹp và kết nối với những ý tưởng hiện đại của thế kỷ XXI". Ông Modi cũng cho rằng Ấn Độ chưa bao giờ khan hiếm trí tuệ và nhân tài. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục ngày nay phải mang tính hiện đại để những nhân tài được nảy nở ngay từ trong nhà trường.

“Trọng tâm chính sách giáo dục của chúng ta là đào tạo học sinh có kỹ năng phù hợp với tài năng và lựa chọn của các em. Ấn Độ không nên chỉ đào tạo ra những thanh niên có bằng cấp mà hãy xây dựng hệ thống giáo dục tạo ra nguồn nhân lực cần thiết để phát triển đất nước" - ông Modi nói.

Mỹ và Ấn Độ mới đây đã công bố một loạt kế hoạch nhằm tăng cường chiều sâu và phạm vi hợp tác song phương về công nghệ tiên tiến, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng, thiết bị quân sự, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việc khởi động chương trình tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn là cuộc đối thoại lần đầu được tổ chức theo Sáng kiến “Công nghệ quan trọng và mới nổi”. Hai bên đã công bố một loạt kế hoạch nhằm tăng cường chiều sâu và phạm vi hợp tác song phương về công nghệ tiên tiến. Theo bà Lisa Curtis - Giám đốc Chương trình An ninh Ấn Độ dương - Thái Bình dương tại Trung tâm An ninh của Mỹ thì đây chính là cột mốc quan trọng báo hiệu rằng hai bên đã sẵn sàng phá vỡ các rào cản để hợp tác quốc phòng và công nghệ chặt chẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ trước cơ hội bứt phá